Tố cáo nhưng không có bằng chứng thì bị xử lý thế nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi Luatvietnam: Tôi hiện tại đang là Chủ tịch UBND huyện X. Ngày 14/6/2022, tôi có tiếp nhận được thông báo từ cơ quan công an về việc tiếp nhận đơn tố cáo của anh A về việc tôi có thực hiện hanh vi tham nhũng. Tuy nhiên, anh A không cung cấp được những bằng chứng, chứng cứ về việc tôi tham nhũng. Vậy trong trường hợp này, tôi có thể đề nghị cơ quan công an xử lý anh A về tội vu khống được không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:“Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định trên, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh các quyền thì người tố cáo cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ theo ghi nhận tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo hiện hành, bao gồm:

- Cung cấp thông tin cá nhân;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Đồng thời, khoản 10 Điều 8 Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

Do đó, tố cáo không có bằng chứng là người tố cáo không thực hiện đúng nghĩa vụ là cung cấp thông tin và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật thì hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống. Người bị tố cáo có quyền (Khoản 1 Điều 10 Luật Tố cáo 2018) yêu cầu cơ quan công an xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khởi kiện ra tòa tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (Điều 63 Luật Tố cáo 2018) để bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức phạt tù lên đến 07 năm. Cụ thể:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý: Người phạm tội thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 Điều này, cụ thể là thực hiện hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự.

Do đó, sau khi bạn tiếp nhận được thông báo từ cơ quan công an về việc tiếp nhận đơn tố cáo của anh A về việc bạn có thực hiện hành vi tham nhũng, bạn hoàn toàn có cơ sở để yêu cầu cơ quan thẩm quyền xác minh dấu hiệu hình sự đối với hành vi tố cáo sai sự thật, không cung cấp được bằng chứng của anh A về tội vu khống.

Xem thêm: Vu khống người khác ăn chặn tiền từ thiện, bị xử phạt thế nào?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi tố cáo nhưng không có bằng chứng thì bị xử lý thế nào dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY