Tính thuế TNCN khi thừa kế chứng khoán như thế nào?

Câu hỏi: Tôi có trường hợp về thừa kế chứng khoán muốn hỏi thông tin về cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nhận thừa kế như sau: Người mất là chồng, hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ và 02 con; tài sản thừa kế là 20.000 cổ phiếu ACB. Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên một nửa tài sản là của người vợ, còn một nửa chia đều cho các đồng thừa kế (là 03 mẹ con). Vậy, người vợ có phải đóng thuế cho một nửa tài sản của mình không hay chỉ phải đóng thuế cho phần tài sản mà mình nhận thừa kế ạ?

Trả lời:

Luật sư Đỗ Anh Tú trả lời bạn như sau:

1. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân của Quốc hội, số 26/2012/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế của Quốc hội, số 71/2014/QH13, cụ thể như sau:

“Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm: … 9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng."

Căn cứ vào quy định trên, người vợ sẽ phải đóng thuế cho phần thu nhập từ nhận thừa kế của chồng.

2. Xác định tài sản là di sản thừa kế từ đó xác định thu nhập từ nhận thừa kế của người vợ

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình của Quốc hội, số 52/2014/QH13 thì tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

Mặt khác, theo Điều 210 và Điều 213 Bộ luật Dân sự của Quốc hội, số 91/2015/QH13 quy định về sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng như sau:

“Điều 210. Sở hữu chung hợp nhất

1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.”

“Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.

5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.”

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, loại trừ trường hợp người vợ có căn cứ chứng minh chứng khoán trên là tài sản riêng của mình, di sản thừa kế là 50% số cổ phiếu của người chồng đã mất.

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự của Quốc hội, số 91/2015/QH13, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, do đó, phần tài sản là di sản của chồng mà vợ được hưởng là một nửa số 20.000 cổ phiếu ACB chia đều cho 03.

Tài sản là di sản thừa kế của người vợ = 50% x 20.000 cổ phiếu ACB / 3

3. Cách tính thuế khi nhận thừa kế

Căn cứ quy định tại Điều 23, 31 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 của Quốc hội thì công thức tính thuế được quy định như sau:

Công thức tính thuế: TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 10%

Trong đó: Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận.

Như vậy, người vợ sẽ phải đóng thuế cho phần thu nhập từ nhận thừa kế của chồng theo công thức trên.
 

Đỗ Anh Tú

Được tư vấn bởi: Luật sư Đỗ Anh Tú

Công ty Luật TNHH DNP

https://dnplegal.com

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật