Trả lời:
Liên quan đến tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định như sau:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý; có nghĩa người phạm tội biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn tiêu thụ. Trường hợp người tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.
Xem thêm hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC:
“Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.
“Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
Như vậy, trường hợp bạn là người tiêu thụ không thể biết được chiếc điện thoại đó là do cháu Hằng trộm từ anh Sơn thì bạn không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Còn đối với trường hợp bạn biết rõ chiếc điện thoại đó là do cháu Hằng trộm từ anh Sơn thì bạn phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Vì điều luật quy định hành vi này là hành vi không hứa hẹn trước mà tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Mặc dù trong trường hợp của bạn, cháu Hằng chưa đến tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng hành vi khách quan và giá trị của chiếc điện thoại mà cháu Hằng trộm được đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm.
Việc cháu Hằng không bị xử lý hình sự do chưa đủ 16 tuổi là chính sách pháp luật của nhà nước ta. Do đó, việc có xử lý hình sự cháu Hằng hay không thì không phải là điều kiện bắt buộc để xem xét trách nhiệm của người tiêu thụ tài sản.
Tài sản do bạn tiêu thụ đã thỏa mãn điều kiện về giá trị tài sản của tội trộm cắp tài sản và thực tế bạn biết rõ tài sản do trộm cắp mà có nhưng đã tiêu thụ tài sản này nên hành vi của bạn đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Kết luận:
- Trường hợp bạn là người tiêu thụ không thể biết được chiếc điện thoại đó là do cháu Hằng trộm từ anh Sơn thì bạn không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
- Trường hợp bạn biết rõ chiếc điện thoại đó là do cháu Hằng trộm từ anh Sơn thì nếu bạn tiêu thụ tài sản này, bạn sẽ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Xem thêm: Người dưới 18 tuổi trộm cắp tài sản bị xử lý thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!