Tiêu chí xếp loại công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Hiện tại quy định của luật chỉ liệt kê các ngành, nghề nặng nhọc độc hại nhưng tôi thấy chưa rõ có tiêu chí (điều kiện) nào để coi là một người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nữa không? Ai là người đánh giá để cho cơ quan bảo hiểm biết người lao động làm việc trong môi trường này? Bộ luật Lao động 2019 cũng không còn quy định về cách xếp lương với những người làm công việc này. Vậy phải xếp lương như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Hiện tại, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 đã quy định danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Theo đó thông tư liệt kê các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, thông tư này lại không đề cập đến các tiêu chí hay điều kiện để xác định thế nào là một ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Việc xác định như thế nào là một ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đã được hướng dẫn cụ thể và chi tiết trong Công văn hướng dẫn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/08/1995 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội. Công văn hướng dẫn và đề ra các chỉ tiêu về điều kiện lao động, công thức xác định điều kiện lao động,…

Ngoài ra để có thể xác định được các tiêu chuẩn về khí hậu, bụi và các nhân tố môi trường khác như độ ồn, độ rung,… thì chúng ta cần dựa vào các tiêu chuẩn được pháp luật hiện hành quy định cụ thể:

1. Tiêu chuẩn về nồng độ bụi trong không khí theo QCVN 02:2019/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi – giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi taị nơi làm việc ban hành kèm Thông tư 02/2019/TT-BYT.

2. Tiêu chuẩn về chỉ số chất độc hại trong không khí theo QCVN 06:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất đọc hại trong không khi xung quanh ban hành kèm Thông tư 16/2009/TT-BYT.

3. Tiêu chuẩn rung cho phép theo QCVN 27:2016/BYT -  Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rung - giá trị cho phép tại nơi làm việc ban hành kèm Thông tư số 27/2016/TT-BYT.

4. Tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép theo QCVN 24:2016 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – mức tiếp xúc tiếng ồn cho phép tại nơi làm việc ban hành kèm Thông tư số 24/2016/TT-BYT.

5. Tiêu chuẩn khí hậu cho phép theo QCVN 26:2016/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí hậu - Giá trị cho phép khí hậu tại nơi là việc ban hành kèm Thông tư số 26/2016/TT-BYT.

Các chỉ số môi trường này sẽ được các đơn vị đủ điều kiện theo Pháp luật cho phép để tiến hành quan trắc môi trường lao động. Hiện nay, trên cổng thông tin điên tử của Bộ Y Tế đã công bố danh sách hơn 100 đơn vị đủ điều kiện để tiến hành hoạt động nêu trên.

Như vậy có thể dựa vào các tiêu chí nêu trên để xác định môi trường làm việc có phải thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại hay không. Tuy nhiên, để công nhận là ngành nghề nặng nhọc độc hại không chỉ cần mỗi các tiêu chí nêu trên thì Doanh nghiệp cần phải làm Công văn gửi cơ quan BHXH và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội để được hướng dẫn kê khai ngành nghề phù hợp hoặc bổ sung ngành nghề đó vào Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, đọc hại, nguy hiểm trước khi tiến hành đi vào hoạt động, công việc.

Đối với việc xây dựng mức lương cho các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại thì hiện nay căn cứ vào Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ việc xây dựng thang lương bảng lương thuộc về người sử dụng lao động và trong hợp đồng lao động sẽ thỏa thuận mức lương đối với người lao động.

Hiện nay, chưa có quy định chi tiết về việc xây dựng bảng lương đối với người lao động trong các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên Nghị định 49/2013/NĐ-CP hết hiệu lực bởi điểm đ khoản 2 Điều 114 nghị định 145/2020/NĐ-CP, đã từng quy định về việc xây dựng bảng lương đối với các ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Trong khi chờ quy định mới của Chính phủ ban hành thì người sử dụng lao động và người lao động có thể tham khảo nghị định để có thể xây dựng bảng lương và thảo thuận về mức lương hợp lý trong hợp đồng lao động.

Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ, chế độ phụ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.

Như vậy, nếu người lao động làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại sẽ tùy theo sự thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Trọng Giáp

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Công ty Luật TNHH Hoàng Sa

http://luathoangsa.vn- 0914522626

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi