Trả lời:
1. Bắt bạc được tịch thu tiền trong người con bạc không?
Trước hết, tịch thu có thể hiểu là một trong những biện pháp xử phạt hành chính hoặc là một trong những biện pháp xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật hành chính, pháp luật hình sự.
Người bị áp dụng biện pháp tịch thu tiền, vật, tài sản khác sẽ bị mất quyền sở hữu đối với tài sản đó. Quyền sở hữu lúc này sẽ thuộc về Nhà nước. Chỉ những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mới được quyền áp dụng biện pháp tịch thu tiền, tài sản, vật theo luật định.
Số tiền trong người con bạc được quyền tịch thu, tạm giữ, thu giữ nếu có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc quy định tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (mặc dù Nghị quyết này đã hết hiệu lực, chưa có Nghị quyết thay thế nên thực tế áp dụng, xét xử vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết 01 này). Cụ thể, với câu hỏi của bạn, chúng tôi tạm hiểu việc tịch thu tiền khi bắt bạc của cơ quan có thẩm quyền là việc tịch thu tiền được sử dụng đối với hành vi đánh bạc trái phép. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên có thể phát sinh 2 trường hợp sau trên thực tế:
Trường hợp 1: Bắt bạc để xử phạt vi phạm hành chính
Nếu bạn bị bắt bạc, xử phạt vi phạm theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật (tiền, vật dùng để đánh bạc) nếu thuộc một trong những hành vi xử phạt sau:
Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây:
a) Làm chủ lô, đề;
b) Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề;
c) Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề;
d) Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Theo đó, nếu việc bắt bạc của bạn thuộc một trong những trường hợp tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều 21 nêu trên, bạn sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền là tang vật của vụ việc.
Trường hợp 2: Bắt bạc để xử lý hình sự
Trước hết, nếu số tiền thu giữ được trong vụ án đánh bạc là vật chứng của vụ án thì căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cá nhân có thẩm quyền (ví dụ như Thủ trưởng Cơ quan điều tra…) được quyền quyết định thu giữ, tạm giữ số tiền này.
Vật chứng là tiền bạc, tài sản có được do hành vi phạm tội đánh bạc sẽ bị tịch thu theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Như vậy, bắt bạc được tịch thu tiền trong người con bạc nếu tiền này được xác định là đã sử dụng/hoặc sẽ sử dụng để đánh bạc trái phép. Đồng thời, hành vi đánh bạc trái phép này bị xử lý hành chính theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc tiền này là vật chứng do phạm tội mà có trong vụ án hình sự. Việc tịch thu tiền trong người con bạc phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.
2. Tiền trong ví có được tính là tiền đánh bạc không?
Ngoài câu hỏi liên quan đến vấn đề bắt bạc có được tịch thu tiền trong người con bạc không thì tiền được cất ở đâu được coi là tiền đánh bạc cũng là vấn đề cần được xác định để làm căn cứ xử lý hành vi đánh bạc trái phép.
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, hiện nay việc xác định tiền, hiện vật được dùng để đánh bạc thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP.
Trong đó, nếu tiền không thu được thực tiếp từ chiếu bạc thì phải có căn cứ xác định rằng số tiền đó được dùng để đánh bạc thì mới được xác định là tiền đánh bạc để thu giữ hoặc xử lý bằng hình thức tịch thu.
Cụ thể như sau:
3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Từ quy định trên, suy ra, tiền trong ví của con bạc có thể là tiền đánh bạc nếu có căn cứ xác định đã được dùng để đánh bạc/hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
Kết luận: Bắt bạc được tịch thu tiền trong người con bạc và tiền trong ví được coi là tiền đánh bạc nếu thỏa mãn điều kiện là tiền đã hoặc sẽ sử dụng để đánh bạc và đây là số tiền do phạm tội mà có.
3. Có được tịch thu tài sản là tang vật của vụ án đánh bạc không?
Việc tịch thu tài sản là tang vật của vụ án đánh bạc phải được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong vụ án hình sự, thuật ngữ pháp lý được sử dụng để gọi tên tiền, vật, tài sản có giá, hiện vật…là tiền đánh bạc là vật chứng mà không sử dụng từ tang vật. Có thể hiểu đơn giản, vật chứng là những vật liên quan/mang dấu vết của tội phạm và được cơ quan có thẩm quyền thu giữ. Tang vật là thuật ngữ được sử dụng trong pháp luật hành chính để mô tả những vật, tài sản liên quan đến vụ việc xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 106, việc xử lý vật chứng được thực hiện như sau:
- Nếu vật chứng thu được trong vụ án đánh bạc là tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước;
- Nếu vật chứng không có giá trị/hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy;
- Nếu vật chứng trong vụ án đánh bạc là công cụ, phương tiện phạm tội, hoặc là vật cấm tàng trữ lưu hành thì bị tịch thu, nộp Ngân sách Nhà nước hoặc bị tiêu hủy;
Có thể nhận thấy, vật chứng trong vụ án đánh bạc, dù là công cụ, phương tiện phạm tội, vật có được do phạm tội mà có hay vật không có giá trị sử dụng thì đều bị tịch thu. Nói cách khác, trong vụ án hình sự, khi bắt bạc được tịch thu tiền trong người con bạc, được tịch thu vật, tài sản khác và có thể phải nộp Ngân sách Nhà nước hoặc bị tiêu hủy.
Xem thêm: Tiền thu trên chiếu bạc xử lý thế nào theo quy định hiện hành?
Trên đây là nội dung tư vấn về “Tiền trong ví, trong người con bạc có là tang vật vụ án đánh bạc không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!