Thủ tục xác nhận đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi có một mảnh đất do cha ông để lại, nguồn gốc là đất khai hoang từ trước năm 1980. Năm 2000, tôi trồng cao su và sử dụng ổn định từ thời gian đó đến nay. Nay tôi muốn làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu. Theo tôi tìm hiểu về điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có quy định là đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch. Xin hỏi thủ tục xác nhận đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch?

Trả lời:

Thủ tục xác nhận đất không có tranh chấp?

1. Thế nào là đất có tranh chấp?

Khoản 24, Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa:

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Có thể hiểu “đất đang có tranh chấp” là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp đất đó với cá nhân khác, với nhà nước hoặc giữa những người sử dụng chung mảnh đất đó với nhau đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất,...

2. Hồ sơ xin xác nhận đất không có tranh chấp

Theo quy định Luật Đất đai 2013 một trong các điều kiện để thực hiện quyền sử dụng đất là đất không có tranh chấp. Để xác minh đất không có tranh chấp cần xin giấy xác nhận của UBND xã nơi có thửa đất.

Cụ thể hồ sơ gồm:

- Văn bản xin xác nhận đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất;

- Sổ hộ khẩu

- Chứng minh nhân dân

- Giấy ủy quyền (nếu thông qua ủy quyền)

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

3. Trình tự thủ tục

Bước 1: Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật

Bước 2: Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã.

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Tất cả các ngày làm việc trong tuần (trừ ngày lễ)

Bước 3: Cán bộ địa chính tiếp nhận và kiểm tra tính pháp lý, nội dung hồ sơ:

- Nếu hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn;

- Nếu hồ sơ không hợp lệ thì hướng dẫn cá nhân hoàn thiện theo đúng quy định.

Bước 4: Cán bộ địa chính chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả theo giấy hẹn

Bước 5: Cá nhân nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa thuộc UBND cấp xã

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì công chức địa chính xây dựng trả lại và nêu rõ lý do.

( Hiện nay không có văn bản nào quy định cụ thể về thời hạn giải quyết hồ sơ xin xác nhận đất không có tranh chấp. Do đó UBND xã sẽ hẹn thời gian trả hồ sơ cụ thể.)

Thu-tuc-xac-nhan-dat-khong-co-tranh-chap;-phu-hop-voi-quy-hoach

Thủ tục xác nhận đất phù hợp với quy hoạch?

1.Đất quy hoạch là gì? 

Quy hoạch là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) cho một mục đích nhất định trong một thời kì trung hạn, dài hạn (có chia các giai đoạn) để cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trên lãnh thổ theo thời gian và là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển.

Đất quy hoạch chính là vùng đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương, phân theo từng mục đích sử dụng và được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ một số quy hoạch đất đai phổ biến như là quy hoạch xây dựng khu dân cư, quy hoạch đường sắt, quy hoạch làm đường giao thông…

Việc quy hoạch này được đưa ra để hoạch định chính sách, phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo việc sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả và đây cũng là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hay là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí về đất cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất.

Quy hoạch treo được hiểu là tình trạng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và ghi trong kế hoạch sử dụng đất cho các mục đích nhất định. Mặc dù đã có thông báo sẽ thu hồi đất để thực hiện kế hoạch, tuy nhiên do không thực hiện theo đúng tiến độ nên xếp vào quy hoạch treo. Thông thường thời sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch mà không thực hiện hay có công bố sửa đổi thì phần đất trên được gọi là đất quy hoạch treo.

Hay nói theo cách đơn giản hơn thì quy hoạch treo có thể hiểu là tình trạng diện tích đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương và đã có công bố thu hồi đất để thực hiện kế hoạch nhưng vẫn không thực hiện theo đúng tiến độ mà vẫn chậm chậm tại các công trình.

2. Hồ sơ, trình tự thủ tục xác nhận đất không nằm trong quy hoạch

Việc quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo các kỳ, mỗi kỳ là 10 năm. Nhà nước căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế – xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cùng các điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực để xây dựng kế hoạch sử dụng đất phù hợp. Quy hoạch, kế hoạc sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai. Tuy nhiên, người sử dụng đất có thể xin cung cấp thông tin quy hoạch, căn cứ vào khoản 4 điều 28 Luật đất đai 2013:

4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Theo điều 43 Luật xây dựng 2014, có những hình thực cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng như sau: công khai hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng; giải thích quy hoạch xây dựng; cung cấp thông tin bằng văn bản. Người sử dụng đất có thể lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu thông tin của mình. Cụ thể, việc xin cung cấp thông tin quy hoạch được thực hiện qua thủ tục xin thông tin quy hoạch như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ cung cấp thông tin quy hoạch gồm các văn bản sau:

Đơn đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất;

Văn bản giải trình nội dung;

Sơ đồ vị trí và ban chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật bản đồ đo đạc tỉ lệ 1/500 hoặc tỉ lệ 1/200 do cơ quan có tư cách pháp nhân thực hiện, thời gian chưa quá 3 năm;

Giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

Các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, người thực hiện thủ tục nộp hồ sơ tại Sở quy hoạch và kiến trúc. Trong trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ trả lại phiếu hẹn lấy kết quả cho người xin cung cấp thông tin. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người thực hiện thủ tục bổ sung.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm xây dựng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng và thông tin khác liên quan đến quy hoạch khi người sử dụng đất yêu cầu trong phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng do mình quản lý.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp các thông tin.

Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có yêu cầu, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Bước 4: Trả kết quả

Xem thêm: Thủ tục xin xác nhận đất không có tranh chấp - LuatVietnam

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Thủ tục xác nhận đất không có tranh chấp; phù hợp với quy hoạch?​” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi