Doanh nghiệp muốn thành lập Hội thiện nguyện, thủ tục thế nào?

Câu hỏi: Doanh nghiệp mình muốn thành lập 1 Hội Thiện nguyện kết nối cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp có cùng mục đích làm từ thiện. Vậy Giám đốc doanh nghiệp mình có làm chủ tịch hội được không ạ? Dự kiến hội có cần đăng ký hoạt động với cơ quan chính quyền địa phương?

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, luật sư tư vấn như sau:

Về vấn đề lập Hội Thiện nguyện kết nối các cán bộ công nhân trong doanh nghiệp của bạn, căn cứ quy định tại Điều 2, Điều 4 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về Hội như sau:

“Điều 2. Hội

1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan...

Điều 4. Tên, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản của hội

1. Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; tên, biểu tượng của hội không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

2. Hội có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng riêng. Trụ sở chính của hội đặt tại Việt Nam”.

Như vậy, theo quy định trên Hội là một pháp nhân độc lập và được thành lập hoạt động trên cở sở tự nguyên của các thành viên vì mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật. Xét thông tin bạn cung cấp, các cán bộ công nhân của công ty bạn có quyền thành lập hội thiện nguyên vì mục đích kết nối các cán bộ nhân viên trong công ty và Hội thiện nguyên này là một pháp nhân nên nó sẽ hoạt động độc lập với công ty bạn.

Về vấn đề chủ tịch của hội, khi thành lập hội các thành viên của hội sẽ tiến hành soạn thảo điều lệ của hội để hoạt động đồng thời bầu ra các chức danh quản lý của hội. Hiện nay, không có quy định nào cấm giám đốc doanh nghiệp không được làm chủ tịch hội đồng thời Hội là một pháp nhân độc lập với công ty bạn nên giám đốc của công ty bạn hoàn toàn có thể làm chủ tịch của hội nếu các thành viên trong hội bầu ra.

Về vấn đề đăng ký thành lập hội, căn cứ Điều 14 Nghị định 45/2010 quy định về cơ quan có thẩm quyền về đăng ký thành lập hội như sau:

Điều 14. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.

Như vậy, theo quy định trên, trước tiên các thành viên trong hội cần phải xác định phạm vi hoạt động của hội vì nó liên quan đến việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt việc thành lập hội.

Sau khi xác định được phạm vi hoạt động của hội, các thành viên sáng lập hội sẽ tiến hành thành lập ban vận động thành lập hội theo quy định tại Điều 6 Nghị định 45/2010/NĐ-CP .

Và khi Ban vận động thành lập hội đã được công nhận, sẽ tiến hành việc lập hồ sơ thành lập hội theo quy định tại Điều 7 Nghị định 45/2010 bao gồm các giấy tờ dưới đây và nộp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP:

1. Đơn xin phép thành lập hội.

2. Dự thảo điều lệ.

3. Dự kiến phương hướng hoạt động.

4. Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

5. Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.

6. Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.

7. Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).

Lê Thị Thu Hà

Được tư vấn bởi: Luật sư Lê Thị Thu Hà

Công ty luật TNHH MTV Hoàng Tín

http://luathoangtin.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi