Hướng dẫn nhập tịch cho con khi mẹ bỏ đi

Câu hỏi: Làm ơn giúp em: Giờ em muốn nhập tịch cho con em theo em phải làm thế nào ạ? Giờ cháu đang học lớp 1 rồi mà em chưa biết làm thế nào. Trường hợp của em như thế này ạ : Em lấy vợ cuối năm 2012, đến tháng 11/2013 thì em có cháu gái . Vợ em nó đẻ cháu được mấy tháng thì nó bỏ đi. Em và gia đình nuôi cháu từ đó. Khai sinh thì theo mẹ mà không có em. Giờ em phải làm thế nào ạ. Làm ơn tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn ạ.

Trả lời:

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời bạn như sau:

Luật Quốc tịch 2008 quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam tại Điều 19 như sau:

“Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Trường hợp không có các điều kiện quy định tại điểm b, c, d trên thì Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam khi là một trong các trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Như vậy, để nhập quốc tịch cho bé thì bạn phải chứng minh quan hệ cha con đẻ với bé, tuy nhiên tại giấy khai sinh của bé chỉ ghi thông tin của người mẹ do vậy để thực hiện nhập tịch trước tiên bạn phải làm thủ tục nhận cha con.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

Thông tin bạn nêu không rõ là vợ bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay người nước ngoài nên luật sư tư vấn quy định chung để thực hiện thủ tục này bạn cần đến UBND cấp quận, huyện nơi cư trú của bạn để đăng ký nhận cha con với bé, thủ tục đăng ký như sau:

Bạn nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch, trường hợp bé đang có quốc tịch nước ngoài thì bạn phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Khi đăng ký nhận cha con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

Như vậy, sau khi được ghi vào sổ hộ tịch và được cấp trích lục về việc nhận cha con, bạn thực hiện thủ tục đăng ký nhập quốc tịch Việt Nam cho bé theo quy định của Luật Quốc tịch.

Lưu ý: tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn về một số giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam quy định bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. 

Trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.

Như vậy, để thực hiện được thủ tục nhập quốc tịch cho con, ngoài các loại giấy tờ nêu trên bạn phải có văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con thì hồ sơ của bạn mới được coi là hợp lệ và được xem xét giải quyết.

Phạm Thị Bích Hảo

Được tư vấn bởi: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Công ty Luật TNHH Đức An

http://luatducan.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật