Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Thủy sản 2017, giống thủy sản nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân được nhập khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
Như vậy, bạn cần xác định loại tôm giống mà bạn cần nhập khẩu từ Thái Lan về để nuôi thương phẩm thuộc hay không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (vì nội dung câu hỏi chưa nêu rõ loại tôm giống cụ thể nào) để xác định có cần xin cấp phép hay không. Danh mục này bạn tham khảo tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản. Một số loại tôm thuộc Danh mục loại thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để bạn tham khảo: Tôm càng sông, tôm càng xanh, tôm he Ấn Độ, tôm he Nhật Bản, tôm rào, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm thẻ rằn,…
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Thủy sản năm 2017 thì giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường ngoài việc phải thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam còn phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau đây: được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định; có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng; được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; tôm giống cũng thuộc loại động vật phải thực hiện kiểm dịch trước khi nhập khẩu. Do đó, khi nhập khẩu tôm, bạn cần phải thực hiện thủ tục kiểm dịch theo quy định tại Thông tư này.
Khi nhập khẩu, phải thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (đã được sửa đổi, bổ sung theo 39/2018/TT-BTC) như: lập Tờ khai hải quan; phải có hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán; phải có vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý),…
Trên đây là một số quy định pháp luật liên quan đến thủ tục, giấy phép để nhập khẩu tôm giống từ nước ngoài (Thái Lan) về Việt Nam để nuôi thương phẩm, bạn tham khảo để thực hiện theo đúng quy định.