Thủ tục người nước ngoài uỷ quyền hưởng BHXH một lần sau khi hết thị thực như thế nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietNam: Tôi có một người bạn nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nay thay đổi công việc và đã về nước sở tại. Người bạn muốn rút BHXH một lần và uỷ quyền cho tôi, vậy đối với trường hợp khi người nước ngoài đã về nước thì có thực hiện uỷ quyền lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần cho người khác (người Việt) đi lãnh được không ạ? Vì họ đã hết thị thực và về nước . Nếu được thì thủ tục ủy quyền lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ thực hiện thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

I. Căn cứ pháp lý:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

II. Nội dung tư vấn:

Theo khoản 6, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 18. Quyền của người lao động

[...]

6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Theo quy định thì một trong những quyền của người lao động là ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Như vậy, người lao động nước ngoài nếu thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần không thể trực tiếp nộp hồ sơ và nhận tiền thì có thể ủy quyền cho người khác nhận bảo hiểm xã hội 1 lần thay mình.

BHXH-mot-lan

Thủ tục người nước ngoài uỷ quyền hưởng BHXH một lần sau khi hết thị thực như sau :

Theo quy định tiểu mục 5 Mục I Phần A Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 về thủ tục lĩnh thay các chế độ BHXH như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ

Người lao động nước ngoài lập hồ sơ sau đó gửi cho người được ủy quyền

Để văn bản ủy quyền có giá trị pháp lý, người ủy quyền có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Công chứng văn bản ủy quyền hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền tại một trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Thẩm quyền chứng thực, công chứng văn bản ủy quyền của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại như sau:

– Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2017 thì cơ quan đại diện nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ thực hiện công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.

– Theo quy định tại Điều 78 Luật Công chứng năm 2014 thì việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được quy định như sau: “Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”

– Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản thuộc về phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản ủy quyền. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người ủy quyền chuẩn bị hộ chiếu hoặc thẻ xanh và hộ chiếu, CMND hoặc CCCD người nhận ủy quyền tại Việt Nam (bản photo), đến phòng công chứng nơi sinh sống làm giấy hoặc hợp đồng ủy quyền (mẫu số 13-HSB) (làm bằng 2 thứ tiếng).

Sau đó đến Đại sứ quán Việt Nam hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước Sở tại để hợp pháp hóa ủy quyền. Do giấy ủy quyền được cơ quan nước Sở tại cấp nên cần có xác nhận của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước Sở tại vào giấy thì khi về Việt Nam mới có giá trị sử dụng.

Sau khi làm xong người ủy quyền đã có thể chuyển phát cho người nhận ủy quyền tại Việt Nam

Người được ủy quyền nộp Giấy ủy quyền (mẫu số 13-HSB) hoặc Hợp đồng ủy quyền cho cơ quan BHXH hoặc cơ quan Bưu điện nơi chi trả; xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh; nhận tiền và ký nhận tiền trên Danh sách chi trả hoặc Giấy nhận tiền.

Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chi trả theo quy định

Lưu ý:

- Giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp người được ủy quyền không thực hiện đúng nội dung cam kết thì ngoài việc phải bồi thường số tiền đã nhận không đúng quy định thì tùy theo hậu quả còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hành chính hoặc hình sự.

Xem thêm:  Hướng dẫn thủ tục ủy quyền rút BHXH một lần - LuatVietnam

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Thủ tục người nước ngoài uỷ quyền hưởng BHXH một lần sau khi hết thị thực như thế nào? ” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Đoàn Trung Hiếu

Được tư vấn bởi: Luật sư Đoàn Trung Hiếu

Văn phòng luật sư Hỗ trợ phát triển Cộng Đồng

https://tuvanphaply.com.vn- 093.675.0123

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật