Hướng dẫn thủ tục khai thuế khi mua hàng tạm nhập tái xuất

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Công ty tôi mua sản phẩm thuộc ngành viễn thông của 1 công ty ở nước A và sau đó bán lại cho 1 công ty ở nước B thì chịu những khoản thuế nào của bên nào và trình tự, thủ tục kê khai, nộp thuế như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Không rõ công ty bạn mua hàng hóa của một nước sau đó bán lại cho một nước thứ ba theo hình thức nào (?). Chúng tôi chia 2 trường hợp như sau:

TRƯỜNG HỢP 1: THỰC HIỆN THEO HÌNH THỨC KINH DOANH CHUYỂN KHẨU

Căn cứ khoản 1 Điều 30 Luật Thương mại 2005: “Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.”

Các loại thuế phải chịu của các bên trong trường hợp này theo pháp luật Việt Nam là:

1) Thuế GTGT:

Căn cứ khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.”

Như vậy, hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

 

2) Thuế nhập khẩu, xuất khẩu:

Hàng hóa chuyển khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.

 

3) Thuế nhà thầu nước ngoài:

Doanh nghiệp ở nước A (là doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam) không phát sinh thu nhập tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 103/2015/TT-BTC, do đó không phải là đối tượng áp dụng quy định về thuế nhà thầu.

 

4) Thuế TNDN:

Khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định như sau:

“Điều 5. Doanh thu

1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Điều 11. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

1. [...] Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.”

Căn cứ quy định trên, đối với khoản tiền thu về từ hoạt động bán hàng hóa cho công ty tại nước B, công ty Việt Nam hạch toán vào doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Giả định công ty bạn không thuộc trường hợp được hưởng ưu đãi thuế thì mức thuế suất thuế TNDN áp dụng hiện nay là 20%.

Điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“b) […]Người nộp thuế phải tự xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý (…) và được trừ số thuế đã tạm nộp với số phải nộp theo quyết toán thuế năm.”

Căn cứ quy định trên, công ty tự xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý.

Thời hạn tạm nộp thuế TNDN theo quý quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019: Chậm nhất vào ngày 30 của tháng đầu quý sau.

Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC).

Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Thời hạn nộp thuế TNDN theo quyết toán thuế năm (nếu có) quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019: ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế nêu trên.

Ngoài ra, công ty Việt Nam có thể chịu các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật nước ngoài.

 

TRƯỜNG HỢP 2: HÀNG HÓA NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM SAU ĐÓ XUẤT KHẨU SANG NƯỚC B

A. GIAI ĐOẠN NHẬP KHẨU:

A1. Nếu công ty nước A đưa hàng về Việt Nam và công ty Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa thì nghĩa vụ thuế theo pháp luật Việt Nam ở đây là Thuế nhập khẩu và Thuế GTGT hàng nhập khẩu do công ty Việt Nam chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

1) Thuế nhập khẩu:

Cần xác định nước xuất khẩu hàng hóa ở đây là nước nào và xác định chính xác mã số HS của hàng hóa để tra cứu thuế suất thuế nhập khẩu trong trường hợp này.

Thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016 gồm 3 loại: thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường. Chi tiết tra cứu tại đây:

- Biểu thuế nhập khẩu thông thường Quyết định 45/2017/QĐ-TTg, Quyết định 28/2019/QĐ-TTg.

- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi: Nghị định 57/2020/NĐ-CP.

- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Nghị định 153/2017/NĐ-CP (ASEAN - Trung Quốc), Nghị định 156/2017/NĐ-CP (Việt Nam - ASEAN), Nghị định 158/2017/NĐ-CP (ASEAN - Australia - New Zealand), Nghị định 159/2017/NĐ-CP (ASEAN - Ấn Độ), Nghị định 155/2017/NĐ-CP (Việt Nam - Nhật Bản), Nghị định 160/2017/NĐ-CP (ASEAN - Nhật Bản), Nghị định 157/2017/NĐ-CP (ASEAN - Hàn Quốc), Nghị định 149/2017/NĐ-CP (Việt Nam - Hàn Quốc), Nghị định 154/2017/NĐ-CP (Việt Nam - Chi Lê)

Hồ sơ khai thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 chính là hồ sơ hải quan. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Thời điểm tính thuế nhập khẩu theo quy định khoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016 là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Người khai hải quan có thể lựa chọn khai báo nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan; hoặc nộp thuế ngay khi có Chứng từ ghi số thuế phải thu. Thời hạn nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 (dẫn chiếu đến Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016) là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Xem thêm hướng dẫn về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Điều 7 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

 

2) Thuế GTGT hàng nhập khẩu:

Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế GTGT: “Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này”.

Biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu tra cứu tại Thông tư 83/2014/TT-BTC.

Hồ sơ khai thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 chính là hồ sơ hải quan. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Thời điểm xác định thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Người khai hải quan có thể lựa chọn khai báo nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan; hoặc nộp thuế ngay khi có Chứng từ ghi số thuế phải thu. Thời hạn nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật quản lý thuế 2019 (dẫn chiếu đến Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016) là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Xem thêm hướng dẫn về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Điều 7 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

Căn cứ vào Giấy nộp tiền vào NSNN và Tờ khai hải quan nhập khẩu, hàng tháng/quý, doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo hồ sơ hướng dẫn tại điểm b Khoản 3 Thông tư 156/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC (áp dụng đối với doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) và Khoản 5 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC (áp dụng đối với doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu).

Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019: chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai nộp thuế GTGT theo tháng); chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế (đối với trường hợp khai nộp thuế GTGT theo quý).

 

A2. Nếu công ty nước A giao hàng tận nơi công ty bạn thì nghĩa vụ thuế theo pháp luật Việt Nam ở đây là thuế nhà thầu (Thuế GTGT & Thuế TNDN), thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu do công ty nước A chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

1) Thuế nhập khẩu:

Như phân tích tại khoản 1 Mục I thuộc Trường hợp 2.

 

2) Thuế GTGT hàng nhập khẩu:

Biểu thuế GTGT hàng nhập khẩu tra cứu tại Thông tư 83/2014/TT-BTC.

Hồ sơ khai thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 chính là hồ sơ hải quan. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Thời điểm xác định thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Người khai hải quan có thể lựa chọn khai báo nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan; hoặc nộp thuế ngay khi có Chứng từ ghi số thuế phải thu. Thời hạn nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 (dẫn chiếu đến Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016) là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Xem thêm hướng dẫn về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại Điều 7 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

 

3) Thuế nhà thầu:

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì thuế nhà thầu bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN.

* Về thuế GTGT:

Đơn vị kê khai, nộp thuế GTGT tại cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục nhập khẩu.

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 103/2014/TT-BTC: Đối với trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu.

* Về thuế TNDN:

Nếu doanh nghiệp nước ngoài không đáp ứng một trong các điều kiện nêu tại Điều 8 Thông tư 103/2014/TT-BTC thì bên Việt Nam có trách nhiệm khai, nộp thuế TNDN thay cho nhà thầu nước ngoài theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế trong trường hợp này là 1% (căn cứ Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC).

Trước tiên, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đăng ký cấp mã số thuế nộp thay theo hướng dẫn tại Thông tư 105/2020/TT-BTC như sau:

- Tại khoản 2 Điều 4 hướng dẫn về đối tượng đăng ký thuế:

“2. Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:

g) Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ cơ quan chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân);[...]”

- Tại điểm e khoản 3 Điều 5 hướng dẫn cấp và sử dụng mã số thuế:

“e) Tổ chức, cá nhân khấu trừ, nộp thay theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 4 Thông tư này được cấp mã số thuế 10 chữ số (sau đây gọi là mã số thuế nộp thay) để kê khai, nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài, nhà cung cấp ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh.[...]”

- Tại điểm a khoản 6 Điều 7 hướng dẫn về hồ sơ đăng ký thuế lần đầu:

“6. Đối với người nộp thuế là tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay và tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu quy định tại Điểm g, m Khoản 2 Điều 4 Thông tư này nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế như sau:

a) Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:

- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 04.1-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê các hợp đồng nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế thông qua Bên Việt Nam mẫu số 04.1-ĐK-TCT-BK.”

Thời hạn đăng ký thuế theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019 là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay.

Bên Việt Nam ký hợp đồng với Nhà thầu nước ngoài sẽ có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài. Cụ thể: Nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu nước ngoài và khai quyết toán thuế khi kết thúc hợp đồng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam.

Hồ sơ khai thuế TNDN thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư 156/2013/TT-BTC:

“- Tờ khai thuế theo mẫu số 01/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản chụp hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có xác nhận của người nộp thuế (đối với lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng nhà thầu);

- Bản chụp giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề có xác nhận của người nộp thuế.”

Hồ sơ khai quyết toán thuế nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại điểm e khoản 3 Điều 20 Thông tư 156/2013/TT-BTC:

“- Tờ khai Quyết toán thuế nhà thầu theo mẫu số 02/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê các Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ Việt Nam tham gia thực hiện hợp đồng nhà thầu theo mẫu số 02-1/NTNN, 02-2/NTNN ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bảng kê chứng từ nộp thuế;

- Bản thanh lý hợp đồng nhà thầu (nếu có).”

Thời hạn kê khai, nộp thuế nhà thầu chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh thanh toán tiền cho Nhà thầu nước ngoài (Căn cứ khoản 3 Điều 44 và khoản 1 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019).

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 được thực hiện chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày kết thúc hợp đồng nhà thầu.

 

A3. Ngoài ra, còn các trường hợp khác mà công ty bạn cần xem xét lại điều kiện giao hàng, trách nhiệm chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa trong hợp đồng để xác định chính xác nghĩa vụ thuế. Xem thêm tại Điều 1 và Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC.

 

B. GIAI ĐOẠN XUẤT KHẨU:

Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các loại thuế sau đây theo pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng.

1) Thuế GTGT:

Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định như sau:

“Điều 9. Thuế suất 0%

1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;

- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.”

Căn cứ quy định trên, hàng hóa xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện trên thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT bằng 0%.

Việc kê khai thuế GTGT trong trường hợp này tương tự như hướng dẫn tại khoản 2 Mục A1 thuộc Trường hợp 2.

 

2) Thuế xuất khẩu:

Cần xác định chính xác mã số HS của hàng hóa để tra cứu thuế suất thuế xuất khẩu trong trường hợp này.

Biểu thuế xuất khẩu tra cứu tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP.

Hồ sơ khai thuế xuất khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 chính là hồ sơ hải quan. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Thời điểm tính thuế xuất khẩu theo quy định Kkhoản 2 Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016 là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Người khai hải quan có thể lựa chọn khai báo nộp thuế hoặc thực hiện bảo lãnh trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan; hoặc nộp thuế ngay khi có Chứng từ ghi số thuế phải thu. Thời hạn nộp thuế xuất khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 (dẫn chiếu đến Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016) là trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa. Xem thêm hướng dẫn về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tại Điều 7 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

 

3) Thuế TNDN:

Như phân tích tại khoản 2 thuộc Trường hợp 1.

Ngoài ra, công ty Việt Nam có thể chịu các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật nước ngoài.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Công ty Minh Long Legal

Được tư vấn bởi: Luật sư Công ty Minh Long Legal

Công ty TNHH Minh Long Legal

http://minhlonglegal.com/index.html- 03 7777 3369

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi