Thủ tục chấm dứt văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Câu hỏi:

Chào Quý công ty, tôi là Thomas, giám đốc Công ty X có trụ sở tại Hà Lan, đại diện liên lạc với văn phòng đại diện của chúng tôi ở Việt Nam. Gần đây, vì công ty chúng tôi gặp khó khăn trong kinh doanh, đồng thời, thái độ và cách làm việc của văn phòng đại diện tại Việt Nam không tốt lắm. Vì vậy, chúng tôi muốn chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại đây. Quý Công ty hãy tư vấn cho tôi trình tự thủ tục chấm dứt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tôi trân trọng cảm ơn./.

Trả lời:

1. Trường hợp được thực hiện chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh

Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định các trường hợp chấm dứt hoặt động văn phòng đại diện, chi nhành:

 “Điều 35. Các trường hợp chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện, Chi nhánh

Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

1. Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.

2. Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh.

3. Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.

4. Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.

5. Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định tại Điều 44 Nghị định này.

6. Thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh không còn đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này.”

2. Hồ sơ chấm dứt văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài theo đề nghị của thương nhân nước ngoài

Thương nhân nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ bao gồm:

1. Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

2. Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

3. Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

4. Bản chính Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.

3. Trình tự, thủ tục chấm dứt văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài theo đề nghị của thương nhân nước ngoài

Căn cứ theo Điều 37 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, trình tự chấm dứt văn phòng đại diện như sau:

Bước 1: Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp giấy phép.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.

Ngoài ra, theo Điều 38 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài còn có những nghĩa vụ sau:

- Niêm yết công khai về việc chấm dứt hoạt động tại trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật khi Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động.

- Chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Thị Thanh Thanh Trà

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thanh Trà

Công ty Luật FDVN

http://fdvn.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật