Khi nào được khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế?

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Ba mẹ tôi có 1 mảnh đất của ông bà nội canh tác để lại nhưng ông bà hồi xưa không đăng ký quyền sở hữu. Sau Nghị định 75 thì mẹ tôi mới đăng ký quyền sở hữu vì nếu theo Nghị định 75 nếu không đăng ký quyền sở hữu thì sẽ bị thu hồi vì đất hoang không chủ. Sau khi mẹ tôi đăng ký thì mới gần đây đã chuyển quyền sở hữu cho cha tôi. Bác tôi đã tách khẩu đi làm ăn nơi khác từ trước khi mẹ tôi đăng ký quyền sở hữu đất, giờ ông về tranh chấp đất vì ông cho rằng đất là của ông bà để lại, ông cũng có quyền lợi. Và ông nói sẽ kiện và sẽ gọi ông, bà, cô, chú trong họ ra làm chứng là đất đó ngày xưa của ông bà nội để lại để giành 50% diện tích đất. Vậy Luật Việt Nam cho mình hỏi là bác tôi có tỉ lệ thắng kiện là bao nhiêu ạ. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo nội dung câu hỏi, tôi được biết Thửa đất có nguồn gốc do Ông/bà của Anh/chị để lại. Sau đó mẹ Anh/chị đã đứng tên kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ). Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), mẹ Anh/chị đã chuyển nhượng cho cha Anh/chị và đã được cấp Giấy CNQSDĐ. Hiện Cha/mẹ Anh/chị phát sinh tranh chấp với người Bác vì người bác này cho rằng đất của của cha/mẹ để lại, yêu cầu được chia 50% diện tích đất.

Thông tin câu hỏi không đầy đủ nhưng qua lời văn câu hỏi Tôi hiểu rằng sau khi ông/bà chết (không để lại di chúc) thì mẹ anh/chị nên đứng tên kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Do vậy, để xác định ông Bác của Anh/chị có căn cứ khởi kiện yêu cầu chia thừa kế hay không thì trước hết cần phải xác định Thửa đất ông bà để lại có đủ điều kiện chia thừa kế, có được coi là di sản thửa kế hay không.

Thông tin Anh/chị cung cấp cho thấy ông /bà của anh/chị chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Theo quy định tại Điều 188, 168 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP, Phần II mục 1 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đối với quyền sử dụng đất chưa có Giấy CNQSDĐ nhưng đủ điều kiện cấp Giấy CNQSDĐ, có 1 trong các giấy tờ sau thì cũng được coi là di sản thừa kế.:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ, gồm:

- Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.

- Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:

- Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;

- Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;

- Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.

- Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).

- Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.

- Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01 tháng 7 năm 1980 hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.

- Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Bản sao giấy tờ trên có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.

Như vậy, nếu trong qua trình sử dụng đất, ông/bà của Anh chị có một trong các loại giấy tờ trên thì quyền sử dụng đất do ông/bà của anh/chị để lại được coi là di sản thừa kế và ông bác của Anh/chị có quyền, có căn cứ khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nếu còn thời hiệu khởi kiện.

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế đối với QSDĐ là 30 năm kể từ ngày mở thừa kế (ngày ông/bà của anh/chị chết). Nếu quá 30 năm thì ông bác của Anh/chị mất quyền khởi kiện; nếu còn trong thời hạn 30 năm thì ông bác của Anh/chị có quyền khởi kiện và khả năng Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông bác Anh/chị là khá cao nếu ông bác Anh/chị chứng minh được thửa đất là di sản thừa kế như đã trình bày ở trên.

Trường hợp Thửa đất do ông bà của Anh/chị để lại không có một trong các loại giấy tờ như trình bày trên thì không được coi là di sản thừa kế và ông bác của Anh/chị không có căn cứ khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.

Trân trọng!

Phạm Tuấn Anh

Được tư vấn bởi: Luật sư Phạm Tuấn Anh

Công ty Luật B.N.C và Cộng sự

https://luatsuphamtuananh.com

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi