Thời hạn xuất trình hóa đơn khi bị kiểm tra hàng hóa

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Cửa hàng em kinh doanh hóa mỹ phẩm. Ngày 30/11/2021 bên em có nhập một lô hàng mỹ phẩm của công ty A về bán. Tuy nhiên do máy in bị hỏng nên công ty A chưa xuất được hóa đơn, họ hẹn hóa đơn sẽ được gửi cho vào ngày hôm sau. Trên quãng đường vận chuyển, Công an kinh tế kiểm tra hàng hóa và yêu cầu xuất hóa đơn nhưng bên em không xuất trình được. Xin hỏi em có thể xin bổ sung hóa đơn sau được không? Việc xuất trình hóa đơn chậm khi bị kiểm tra hàng hóa có bị coi là nhập khẩu hàng lậu và bị tịch thu hàng hóa không? Nếu có thì mức xử phạt là như thế nào nếu tổng lô hàng giá trị khoảng 27 triệu? Nếu không thì em phải làm gì để không bị phạt ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trường hợp này, chúng tôi hiểu là công ty bạn nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Liên quan đến thời hạn xuất trình hóa đơn đối với hàng hóa nhập khẩu, khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP (gọi tắt là TTLT 64) quy định như sau:

“Điều 3. Thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ

1. Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra.”

Như vậy, trường hợp này hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, bên bạn có trách nhiệm xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. Không có quy định về thời hạn để doanh nghiệp bổ sung hóa đơn.

“Điều 6. Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính

1. Hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hàng hóa nhập khẩu bị coi là hàng hóa nhập lậu:

a) Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết mà cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp trong thời hạn quy định tại Điều 3 Thông tư này;”

Như vậy, đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển mà bên bạn không xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ ngay tại thời điểm kiểm tra thì hàng hóa này bị coi là hàng hóa nhập lậu.

Quy định xử phạt trong trường hợp này quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 TTLT 64 như sau:

“2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu mua, bán, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường vi phạm các quy định về hóa đơn, chứng từ tại Chương II Thông tư này nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan như sau:

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng hóa nhập lậu bị xử phạt theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng;”

Dẫn chiếu đến quy định xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:

“Điều 15. Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;”

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 và 2 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:

a) Hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

Lưu ý: Quy định trên là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thì bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Xem thêm: Phân biệt hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Công ty Minh Long Legal

Được tư vấn bởi: Luật sư Công ty Minh Long Legal

Công ty TNHH Minh Long Legal

http://minhlonglegal.com/index.html- 03 7777 3369

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi