Thời hạn tạm giữ tang vật hình sự là bao lâu?

Câu hỏi: Xin chào luật sư. Tôi là bị hại trong một vụ án móc túi trên xe buýt. Thủ phạm đã bị bắt ngay tại hiện trường. Tang vật là 1 chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 10 Plus trị giá khoảng 20 triệu đồng. Tôi muốn hỏi luật sư là công an có thẩm quyền yêu cầu tôi cung cấp mật khẩu của điện thoại để kiểm tra hay không. Vì theo yêu cầu của các anh thì tôi đã gỡ bỏ mật khẩu của máy. Nhưng sau đó thì tôi thấy đồng chí công an đang kiểm tra điện thoại của tôi vào Facebook, Messenger và đọc tin nhắn cá nhân của tôi. Điện thoại của tôi hiện đang được các đồng chí công an giữ lại với mục đích "giám định giá trị tài sản". Đến nay đã được 1 tháng tôi chưa thấy có ai liên lạc lại. Tôi muốn hỏi là thời hạn tối đa cơ quan công an có thể thu giữ chiếc điện thoại của tôi là trong bao lâu? Xin cám ơn các luật sư.

Trả lời:

1. Tôi muốn hỏi luật sư là công an có thẩm quyền yêu cầu tôi cung cấp mật khẩu của điện thoại để kiểm tra hay không. Vì theo yêu cầu của các anh thì tôi đã gỡ bỏ mật khẩu của máy. Nhưng sau đó thì tôi thấy đồng chí công an đang kiểm tra điện thoại của tôi vào Facebook, Messenger và đọc tin nhắn cá nhân của tôi?

Với hành vi móc túi để lấy cắp chiếc điện thoại trị giá gần hai mươi triệu đồng của bạn thì người thực hiện hành vi đã cấu thành tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sư 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xét trong vụ việc trộm cắp tài sản chỉ cần xác định tài sản đó là của bạn bằng cách như mô tả thông tin điện thoại, cung cấp hóa đơn chứng từ thể hiện bạn đã mua chiếc điện thoại đó (nêu có) hoặc nhớ số liện lạc gọi vào để chứng minh chiếc điện thoại đó là của bạn chứ không cần thiết phải yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu để vào mục tin nhắn và đọc những dòng tin nhắn riêng tư của bạn. Ngoài ra việc định giá tài sản thì đã có cơ quan có thẩm quyền sẽ định giá đối với tài sản là chiếc điện thoại của bạn.

Theo khoản 1,2,3 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” theo đó “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.

Ngoài ra tại khoản 2 Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” theo đó tùy thuộc vào hậu quả cũng như tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội có thể sẽ  “bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm” hoặc “phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”. Ngoài hình phạt chính thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Nếu như những thông tin bạn cung cấp là đúng sự thật thì đối chiếu với các quy định nêu trên, việc chưa được sự đồng ý của bạn mà chiến sỹ công an đã tự ý vào trang Facebook, Messenger để đọc những dòng tin nhắn riêng tư của bạn là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Trường hợp này bạn có thể khiếu nại đối với hành vi của chiến sỹ công an lên trực tiếp Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi chiến sỹ công an đang công tác và yêu cầu chiến sỹ công an phải xin lỗi về hành vi của mình. Ngoài ra bạn cũng có thể tố cáo hành vi của chiến sỹ công an để cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.


2. Tôi muốn hỏi là thời hạn tối đa cơ quan công an có thể thu giữ chiếc điện thoại của tôi là trong bao lâu? Xin cám ơn các luật sư.

Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về “Vật chứng”, theo đó: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Như vậy chiếc điện thoại của bạn là vật chứng trong vụ án hình sự trộm cắp tài sản này.

Ngoài ra, theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về “Xử lý vật chứng”. củ thể như sau:

“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”

“2. Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”.

“3. Các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 điều này có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên thì không có quy định rõ thời gian trả lại vật chứng là bao lâu. Để phục vụ cho quá trình điều tra thì phía cơ quan điều tra vẫn có quyền giữ.

Tuy nhiên trong quá trình xác minh, điều tra làm rõ vụ việc cơ quan điều tra có quyền ra quyết định trả lại vật chứng nếu xét thấy không ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án. Theo đó bạn có thể làm đơn yêu cầu để gửi cho cơ quan điều tra. Trên cơ sở yêu cầu của bạn cơ quan điều tra xem xét thấy việc trả lại vật chứng không ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án thì sẽ giao trả chiếc điện thoại lại cho bạn.

Nguyễn Đức Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

0918.368.772

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi