Trả lời:
Đối với những tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân mà chưa được phân chia thì vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng mặc dù đã tiến hành giải quyết ly hôn tại Tòa án. Khi có tranh chấp về tài sản chung mà không thỏa thuận được với nhau thì một trong hai bên hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vụ án phân chia tài sản chung về bản chất vẫn được xác định là vụ án hôn nhân- gia đình, do đó Tòa án sẽ áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để điều chỉnh những tài sản chung trong thời kì hôn nhân của vợ chồng.
Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thoả thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo nội dung mà vợ chồng đã thoả thuận. Trường hợp vợ chồng thoả thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng thì Toà án áp dụng quy định tương ứng như chế độ tài sản theo quy định của pháp luật để giải quyết.
Căn cứ theo Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
“Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”
Đồng thời theo Khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.”
Như chị trình bày, vào thời điểm giải quyết ly hôn, chồng chị có nói là sẽ chuyển toàn bộ tài sản chung cho chị, trong đó có cả ngôi nhà chung mà hai người đang ở. Lời nói của chồng chị có được ghi nhận bằng văn bản hay có người làm chứng hay không? Có được ghi nhận vào văn bản thỏa thuận thuận tình ly hôn hay không?
Nếu có chứng cứ chứng minh về điều này, chị có quyền yêu cầu chồng chị thực hiện việc đã cam kết. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh được điều đó, chị có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn, việc phân chia này sẽ được TA có thẩm quyền thụ lý, giải quyết và chia theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc chồng chị cam kết chuyển toàn bộ tài sản chung cho chị được ghi nhận trong Quyết định thuận tình ly hôn thì chị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực thi Quyết định của Tòa án theo quy định.
Đối với Quyết định công nhận thuận tình ly hôn thì chị không có quyền kháng cáo bởi vì Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
'Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội."
Việc công chứng, chứng thực thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn của hai vợ chồng: Vào thời điểm thỏa thuận, hai người nên thực hiện tại VPCC hoặc UBND cấp xã và đề nghị bên công chứng/UBND xác nhận việc thỏa thuận phân chia tài sản để đảm bảo tính thực thi hoặc thông qua việc lập vi bằng để tạo cơ sở thực hiện việc phân chia tài sản theo thỏa thuận.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn