Thay đổi nơi làm việc có phải xin lại giấy phép lao động không?

Câu hỏi:

Xin hỏi luatvietnam: Công ty tôi có một số lao động là người nước ngoài (đã được cấp giấy phép lao động). Do đặc thù công việc, họ phải đi làm việc tại các công trình ở các tỉnh khác trong thời hạn khá dài (trên 10 ngày cho mỗi công trình). Vậy, tôi có phải xin lại giấy phép lao động khi họ đến các công trình ở tỉnh khác làm việc trong thời hạn dài như vậy không ạ? Nếu có thì thủ tục như thế nào và nếu không thì có phải làm thủ tục gì không ạ? Nếu không thì sẽ bị xử phạt như thế nào ạ? Xin cảm ơn

Trả lời:

Khoản 3 Điều 12 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp cấp lại giấy phép lao động:

“3. Thay đổi họ và tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn.”

 Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bạn phải xin cấp lại giấy phép lao động do thay đổi địa điểm làm việc ghi trong giấy phép lao động.

Thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động

- Hồ sơ bao gồm:

+ Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo mẫu;

+ 02 ảnh màu (kích thước 4 cm X 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu);

+ Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Trình tự cấp lại giấy phép lao động

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hình thức xử lý đối với trường hợp không xin giấy phép lao động

Căn cứ theo Điều 153 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 153. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài

1. Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

3. Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Điều 31. Vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

….

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối vơi người sử dụng lao động có hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

….”

Căn cứ theo định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“3. Tổ chức bị xử phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong Nghị định này bao gồm:

…..

b) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

….”

Xem thêm: Cấp lại giấy phép lao động: Điều kiện, hồ sơ và thủ tục

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Đặng Thị Tâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Đặng Thị Tâm

Công ty Luật TNHH BHL

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi