Sử dụng hình ảnh cá nhân để xúc phạm danh dự bị xử phạt như thế nào?

Câu hỏi:

Tôi có được app vay tiền gọi điện để mời vay app. Qua tìm hiểu kỹ lại thì đó là tín dụng đen của Trung Quốc với mức lãi quá cao, vay 1triệu 6 chỉ được cầm về 1triệu 2 và phí quá hạn sẽ là 2 đến 3 trăm 1 ngày. Do gia đình tôi đang gặp chút trục trặc chưa đi thanh toán được liền bị gọi với những lời nói thiếu văn hoá, đe doạ đến gia đình, con cái. Sự việc đẩy lên đỉnh điểm chính là họ đem hình tôi và gia đình đăng lên tất cả các trang và gửi cho bạn bè người thân với lời lẽ hỗn xược và bôi nhọ nhân phẩm gia đình tôi hết sức nặng nề. Khi tôi xin trả số tiền gốc thì họ không cho trả và bắt phải đóng cho họ phí phạt là 2 triệu 4 trong khi bản thân cầm về được 1 triệu 2. Xin cho tôi hỏi là đăng hình cá nhân chưa được sự cho phép của người khác và bôi nhọ nhân phẩm gia đình họ liệu khi tôi báo cơ quan công an thì họ sẽ bị như thế nào ạ. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Đối với hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân, đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, khi Anh/chị trình báo đến Cơ quan Công an thì Cơ quan Công an có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm. Cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm hành chính

Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;” thì hành vi nói trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, nếu xác định được cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm nêu trên, Cơ quan Công an có thể xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

2. Trách nhiệm hình sự

Liên quan đến hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, Bộ Luật Hình sự 2015 còn quy định về “Tội làm nhục người khác” và “Tội vu khống” tại Điều 155 và Điều 156, cụ thể như sau:

 “Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

b) Đối với 02 người trở lên;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

c) Đối với 02 người trở lên;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;”

Tuy nhiên, cần lưu ý: Khi Anh/chị trình báo đến Cơ quan Công an, Cơ quan Công an sẽ đánh giá nhiều vấn đề về chủ quan, khách quan, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm …, xem xét hành vi đó có cấu thành tội phạm hay chỉ là vi phạm hành chính để quyết định hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

 

3. Trách nhiệm  dân sự

Ngoài việc trình báo đến Cơ quan Công an, Anh/chị hoặc người thân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm cũng có thể lựa chọn hình thức khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 và 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015:

“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.[…] Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Như vậy, Anh/chị có thể khởi kiện ra tòa đối với hành vi sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý và hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin sai sự thật, thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và yêu cầu xin lỗi theo quy định trên.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; tổn thất về tinh thần ….

Tuy nhiên, để khởi kiện Vụ án dân sự Anh/chị cần cần xác minh, chứng minh được đối tượng cụ thể (cá nhân, tổ chức) nào đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm, hành vi xâm phạm là gì và thiệt hại, nếu có.

Trân trọng!

Phạm Tuấn Anh

Được tư vấn bởi: Luật sư Phạm Tuấn Anh

Công ty Luật B.N.C và Cộng sự

https://luatsuphamtuananh.com

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi