Sống chung như vợ chồng thì được chia thừa kế không?

#11980 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Nếu nam nữ không đăng ký kết hôn, sống chung với nhau như vợ chồng thì pháp luật có cho phép được hưởng tài sản thừa kế của nhau khi một người chết không? Có thể chứng minh việc chung sống như vợ chồng bằng cách nào để được Tòa án chấp nhận thưa Luật sư? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế không?

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng vẫn có thể được hưởng thừa kế tài sản của nhau nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Hưởng di sản theo di chúc

Trường hợp 2: Được Tòa án công nhận là vợ chồng và được giải quyết yêu cầu chia thừa kế tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Cụ thể, việc nhận tài sản thừa kế của nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trong hai trường hợp nêu trên như sau:

Trường hợp 1: Hưởng di sản theo di chúc

Trường hợp 2: Được Tòa án công nhận là vợ chồng và được giải quyết yêu cầu chia thừa kế tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Căn cứ Điều 609, Điều 626 Bộ luật Dân sự, người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có thể được hưởng di sản thừa kế của người còn lại theo di chúc;

Phần tài sản mà họ được hưởng cụ thể sẽ được chia theo di chúc, sau khi đã trừ đi phần tài sản chia cho những người hưởng thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc;

Lưu ý rằng, để được chia tài sản theo di chúc thì di chúc này phải là di chúc hợp pháp, có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế và tài sản còn tồn tại tại thời điểm phân chia;

Căn cứ khoản 2, Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khoản 1 Thông tư Liên tịch số 01/2022/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987, không đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận có quan hệ hôn nhân từ thời điểm sống chung;

Các thời điểm sống chung như vợ chồng và không đăng ký kết hôn khác đều không được pháp luật công nhận có quan hệ hôn nhân để chia thừa kế;

Theo đó, khi một người mất, người còn lại cũng sẽ được hưởng di sản thừa kế theo hàng, diện thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015;

Việc công nhận quan hệ hôn nhân và phân chia di sản thừa kế lúc này phải được thực hiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền/hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng tại tòa và tự thực hiện chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật theo quy định;

Bên có yêu cầu chia di sản thừa kế cũng phải chuẩn bị giấy tờ, tài liệu để chứng minh có quan hệ chung sống hôn nhân như vợ chồng để được tòa án công nhận;


Kết luận: Với câu hỏi chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế không, căn cứ quy định hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

- Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng được hưởng di sản thừa kế theo di chúc;

- Hoặc được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân khi chung sống với nhau như vợ chồng từ trước 03/01/1987;

Do chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin hồ sơ vụ việc thực tế của bạn, vì vậy, không thể có đáp án cuối cùng cho câu hỏi mà bạn đang quan tâm. Dựa trên giải đáp của chúng tôi, bạn đối chiếu để có câu trả lời phù hợp cho mình.

Căn cứ xác định chung sống như vợ chồng để chia thừa kế là gì?

Như chúng tôi đã trình bày, trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng từ thời điểm trước 03/01/1987, nam nữ được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân.

Khi quan hệ hôn nhân được công nhận, nam nữ được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật tài sản của nhau theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự.

Căn cứ để tòa án công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn để làm căn cứ chia thừa kế được thực hiện theo điểm d, khoản 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, gồm một trong những trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau

- Lễ cưới được tổ chức theo tập tục, tập quán của từng vùng miền;

- Nam nữ bắt đầu chung sống với nhau sau khi đã tổ chức lễ cưới;

Trường hợp 2: Việc nam nữ chung sống với nhau được gia đình chấp nhận

- Có thể gia đình 2 bên hoặc gia đình một bên chấp nhận việc nam nữ chung sống với nhau;

Trường hợp 3: Nam nữ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến

- Thường có thể thấy các tổ chức Đảng, Đoàn, tổ chức nơi công tác, học tập… chứng kiến sự kiện;

- Người chứng kiến cũng có thể là linh mục, cha xứ, người thân, lãnh đạo…;

Trường hợp 4: Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau và cùng nhau xây dựng gia đình

- Biểu hiện bằng việc nam nữ cùng dọn về sống chung với nhau, cùng nhau lao động, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống;

- Cùng nhau gây dựng cuộc sống gia đình như chăm sóc bố mẹ hai bên, sinh con, nuôi dạy con cái…;

Khi thấy thuộc một trong những trường hợp này và thời điểm bắt đầu chung sống là từ trước 03/01/1987, nam nữ có quyền yêu cầu tòa án nhân dân công nhận quan hệ hôn nhân và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

Nếu chia thừa kế theo di chúc thì có thể chỉ cần tòa án công nhận quan hệ hôn nhân/quan hệ vợ chồng.

Trong đó, thời điểm để xác định nam nữ bắt đầu sống chung với nhua như vợ chồng là ngày:

- Thời điểm họ tổ chức lễ cưới hoặc họ về chung sống với nhau mà được gia đình hai bên hoặc một bên chấp nhận;

- Hoặc là ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

- Hoặc là ngày họ thực sự bắt đầu dọn về sống chung với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình;

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi, chung sống như vợ chồng có được chia thừa kế không, cần xác định rõ thời điểm họ bắt đầu chung sống mà không đăng ký kết hôn và hình thức chia tài sản thừa kế.

Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật thì muốn nhận được thừa kế của người còn lại, nam nữ phải được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân và được tòa án giải quyết yêu cầu chia thừa kế.

Xem thêm: Di sản thừa kế là gì? Cách xác định di sản thừa kế?

Trên đây là nội dung tư vấn về “Sống chung như vợ chồng thì được chia thừa kế không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY