Sang tên sổ đỏ khi mẹ mất không để lại di chúc

Câu hỏi:

Tôi xin hỏi: Hiện tại sổ đỏ của tôi vẫn mang tên tôi và mẹ tôi. Nay mẹ tôi đã mất. Vậy, nay tôi muốn bỏ tên mẹ tôi trong sổ đỏ, chỉ còn một tên tôi. Vậy tôi phải làm gì và làm việc này ở đâu để được việc tôi muốn. Xin Luật Việt Nam giúp đỡ. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Theo điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 (Bộ luật Dân sự), cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Mẹ bạn là người để lại di sản có quyền chỉ định người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người, giao nghĩa vụ của người thừa kế… Do đó, trong trường hợp mẹ có để lại di chúc cho bạn là người con duy nhất thì đương nhiên bạn được hưởng di sản thừa kế.

Nếu mẹ bạn mất, không để lại di chúc thì theo điểm a khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, di sản của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật.

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

….”

Theo đó, nếu mẹ bạn chỉ có một người con duy nhất là bạn và không còn ai được hưởng di sản theo quy định thì bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng toàn bộ di sản của mẹ bạn (thuộc tài sản riêng của mẹ bạn).

Nếu trường hợp của bạn, người cha và ông bà ngoại còn sống, bạn còn anh chị em, thì có thể xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm: cha, ông bà ngoại, và những người con của mẹ bạn (nếu còn sống ). Về nguyên tắc, những người ở trên thuộc hàng thừa kế thứ nhất được chia phần bằng nhau trong khối di sản mà người mẹ đã mất để lại.

Để có thể hưởng toàn bộ di sản thừa kế của mẹ mình nếu bạn là người thừa kế duy nhất thì Bạn có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định. Theo đó, người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận phân chia di sản đó cho bạn có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản. Thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như sau:

* Cơ quan tiến hành: Bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản.

* Thủ tục:

- Nộp bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

+ Yêu cầu công chứng;

+ Giấy chứng tử của mẹ bạn, bố và ông bà ngoại bạn;

+ Sổ tiết kiệm;

+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;

+ Những giấy tờ khác.

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thừa kế.

Thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi có đất để làm thủ tục, hồ sơ bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;

- Giấy tờ tùy thân của những người thừa kế; những giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người thừa kế và người để lại di sản thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật như là: Sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...

Vũ Văn Toàn

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

0978994377

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi