Rút bảo hiểm 1 lần cho cựu chiến binh

Câu hỏi:

Xin chào mọi người. Tôi là Lê Sỹ Đình, quê ở Hà Tĩnh. Tôi có một câu hỏi muốn xin ý kiến của các chuyên gia về Luật như sau: bố vợ tôi sinh năm 1967, hiện đã hơn 50 tuổi. Ông mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, hiện đang chạy chữa). Ông làm việc tại UBND xã nhà, trước đây có tham gia chiến tranh biên giới Việt Lào; trong thời gian làm việc và công tác, chữa bệnh thì ông sử dụng bảo hiểm liên quan đến Quyết định 62/2011/QĐ-TTg (hình như 100%) về chế độ cho cựu chiến binh. Hiện nay do sức khỏe không đảm bảo (vì chạy chữa bệnh), ông xin nghỉ trước tuổi theo chế độ (ông đã có 20 năm đóng bảo hiểm + 03 năm tham gia bộ đội). Theo nguyên tắc thì ông được hưởng một số chế độ cho người nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ không lương, đến 60 tuổi mới được hưởng lương hưu. Xin cho tôi hỏi là: do bệnh hiểm nghèo nên bố tôi có thể xin rút bảo hiểm 1 lần được không (để hỗ trợ kinh phí chữa bệnh)? Sau khi rút bảo hiểm 1 lần thì khi khám chữa bệnh có được hưởng bảo hiểm theo Quyết định 62 không? hoặc có chế độ nghỉ hưu từ 50 tuổi hay không? Vi hiện tại chạy chữa rất tốn kém, nếu rút 1 lần được 1 khoản mà không còn được bảo hiểm nữa thì rất thiệt thòi. Còn nếu rút được bảo hiểm mà vẫn được theo chế độ QĐ62 khi khám chữa bệnh thì sẽ làm hồ sơ cho ông. Nhờ các chuyên gia cho tôi ý kiến. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Theo nội dung ông trình bày, bố vợ ông có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không nêu rõ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.

Theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người đang được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/04/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời, điểm b khoản 2 Điều 2 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg cũng quy định không áp dụng Quyết định này đối với đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí hoặc đang công tác hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (trừ cán bộ xã đã nghỉ hưu hoặc đang công tác nhưng không được tính nối thời gian phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi thôi công tác ở xã) hoặc đang hưởng chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng.

Như vậy, một đối tượng hoặc chỉ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc chỉ được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, không có quy định vừa được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg vừa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do vậy, cần xác định rõ bố vợ của ông thuộc đối tượng nào của Quyết định 62/2011/QĐ-TTg, tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức nào (bắt buộc hay tự nguyển) để xác định quyền được hưởng các chế độ liên quan.

Giả định thông tin ông cung cấp là chính xác, bố vợ ông có tham gia bảo hiểm xã hội thì theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, dù tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện thì vẫn có quyền được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc trường hợp “người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế” (điểm c khoản 1 Điều 60; điểm điểm c khoản 1 Điều 77). Bố vợ ông bị bệnh ung thư là thuộc trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định.

Việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội. Còn chế độ được hưởng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg là chính sách của Nhà nước đối với người có công đối với các đối tượng được quy định theo Quyết định này. Không có quy định loại trừ nếu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì không còn được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, như trên đã đề cập việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg là không thực hiện đồng thời, ông cần kiểm tra lại vấn đề này vì có thể có sự nhẫm lẫn hoặc thực hiện không chính xác. Do vấn đề ông trình không được đầy đủ thông tin nên chúng tôi chỉ đưa ra một số quy định nêu trên để ông lưu ý, tham khảo; ông nên liên hệ cụ thể với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Kiều Anh Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Kiều Anh Vũ

Công ty luật KAV Lawyers

https://kavlawyers.com/- 84949761861

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi