Quyền thừa kế khi phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất?

#10618 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Bố mẹ tôi là ông Đ và bà K có hai thửa đất thổ cư cạnh nhau có diện tích 350m2 và 250m2. Gia đình tôi có 4 người con nhưng kể từ năm 2009 em út đi lấy vợ đến nay chỉ có tôi và chị hai là ở cạnh chăm sóc hai ông bà, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do tôi và chị hai lo liệu mà những người khác không tham gia. Bố mẹ mất không để lại di chúc, khi phân chia tài sản thì chúng tôi muốn được nhận thửa 350m2 có căn nhà vì đó là xứng đáng cho công sức mà chúng tôi đã chăm sóc bố mẹ. Xin hỏi chúng tôi đòi quyền như vậy có đúng quy định không? Căn cứ pháp lý? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Theo điểm a, khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

[...]

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên, nếu người để lại di sản chết không có di chúc thì di sản được phân chia thừa kế theo pháp luật.

Theo như anh đề cập, bố mẹ anh mất không để lại di chúc, ông bà nội, ông bà ngoại hiện cũng đã mất, nhà anh có 04 người anh chị em nên di sản của bố mẹ anh sẽ được chia cho 4 người, hưởng 04 phần bằng nhau.

Về việc anh chăm sóc và đòi hưởng toàn bộ di sản là không có căn cứ. Theo Điều 70 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của con như sau:

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

Việc chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ mà con cái phải làm, việc đòi thừa kế như vậy là không đúng quy định. 

Xem thêm: Con bị cha mẹ từ mặt có được hưởng di sản thừa kế không?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "Quyền thừa kế khi phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY