Trả lời:
Về vấn đề tài sản của Công ty TNHH MTV
Theo khoản 3 Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên quy định: “Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”.
Như vậy, tài sản của công ty TNHH MTV mặc dù do một cá nhân bỏ vốn nhưng dưới danh nghĩa của công ty thì là tài sản của công ty. Tài sản này sẽ phải được tách biệt với tài sản, chi tiêu cá nhân và gia đình của chủ doanh nghiệp.
Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp là một trong những công việc quan trọng doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cần nộp cùng hồ sơ giải thể doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh cùng với báo cáo thanh lý tài sản.
Về việc thanh lý tài sản
Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp là một trong những công việc quan trọng doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cần nộp cùng hồ sơ giải thể doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh cùng với báo cáo thanh lý tài sản.
Các bước tiến hành việc thanh lý tài sản diễn ra như sau:
Thứ nhất: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.
Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê, phân loại, số lượng, thu nhập hồ sơ kỹ thuật, các giấy tờ liên quan đến tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản cũng đồng thời kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản và xác định tài sản tương xứng là bao nhiêu. Tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản và lựa chọn đối tác thanh lý tài sản.
Trong trường hợp như đã nêu trên, việc thanh lý tài sản sẽ do trực tiếp Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên đứng ra tổ chức.
Thứ hai: Kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản và giá trị tài sản tương ứng
Hội đồng thanh lý tài sản sẽ đánh giá chất lượng còn lại của tài sản dựa trên các yếu tố thực tế như: sổ bảo hành, vận hành thực tế, số lần sửa chữa, hao tốn nguyên liệu, mức độ cần thiết của tài sản.. Dựa trên những đánh giá chất lượng đó mà Hội đồng thanh lý tài sản cũng xác định được giá trị còn lại của tài sản để có thể đưa ra hình thức thanh lý đối vời từng loại tài sản.
Thứ ba: Bán tài sản
Tài sản sau khi được kiểm tra, đánh giá sẽ được bán dưới các hình thức như: bán chỉ định hoặc thông báo bán công khai; bán đấu giá. Sau khi hoàn tất việc bán tài sản, khoản thu được sẽ được dùng để thực hiện thanh toán khoản nợ và nghĩa vụ còn lại của doanh nghiệp giải thể ( nếu có). Phần còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ và hoàn tất thanh toán các khoản nợ sẽ được chia cho các thành viên công ty theo tỷ lệ góp vốn ( đối với Công ty TNHH một thành viên thì khoản thu còn lại sẽ được Chủ sở hữu công ty thu hồi lại)
Như vậy, nếu công ty bạn giải thể đúng trình tự mà pháp luật quy định, sau khi thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp thì phần còn lại thuộc về chủ doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền định đoạt phần tài sản đó.