Trả lời:
Sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho tốc độ lan truyền thông tin ngày càng nhanh nhạy. Những hình ảnh cá nhân, video clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt và cũng nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận. Với sức lan truyền và sự quan tâm của dư luận cũng ít nhiều ảnh hưởng đến người có hình ảnh, video xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo khoản 1 Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Quyền bí mật đời tư thì mọi cá nhận có quyền lưu giữ, sử dụng hình ảnh của mình. Nếu có ai khác muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải có sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, việc đăng tải video của một người khác lên mạng xã hội Facebook khi không có sự đồng ý của họ thì người đăng tải đã vi phạm pháp luật.
Hơn thế nữa, video được đăng tải lên mạng xã hội lại là một đoạn clip đánh ghen. Việc đánh ghen là việc làm ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người bị đánh ghen. Việc đăng tải video đánh ghen cũng phần nào làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, danh dự của người trong video.
Điều 34 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định:
- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Từ những nhận định trên, có thể thấy đăng tải một video đánh ghen lên mạng xã hội khi người có mặt trong đó chưa đồng ý là hoàn toàn trái pháp luật.
Nếu có căn cứ làm rõ người liên hệ chính là người bị đánh ghen trong video thì người này hoàn toàn có quyền yêu cầu bạn gỡ video trên xuống.