Công nhân gò, hàn có được hưởng phụ cấp độc hại hay không?

Câu hỏi:

Công ty chúng tôi đang tuyển lao động trong lĩnh vực gò, hàng kim loại. Tôi muốn hỏi luật sư đối với công việc gò, hàn có phải là công việc được hưởng phụ cấp độc hại theo quy định của pháp luật hay không? Nếu có thì mức phụ cấp hàng tháng bao nhiêu là phù hợp theo quy định của pháp luật. Nếu công nhân tăng ca thì có được tính mức phụ cấp độc hại khi tăng ca hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

1. Công nhân gò, hàn có được hưởng phụ cấp độc hại?

Theo danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng (Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì gò, hàn là một trong những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực cơ khí và cơ kỹ thuật.

Tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư số  17/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “Công ty rà soát phân loại điều kiện lao động theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, so sánh mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của nghề, công việc với điều kiện lao động bình thường để xác định mức phụ cấp, bảo đảm: Mức phụ cấp đối với nghề, công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng 5% và cao nhất bằng 10%; nghề, công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thấp nhất bằng nhất 7% và cao nhất 15% so với mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.”

Theo quy định trên, gò, hàn là một trong những nghành đề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cần phải đảm bảo mức phụ cấp từ 5%-10%, nếu làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm thì mức phụ cấp phải từ 7%-15% mức lương của nghề hoặc công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

2. Phụ cấp độc hại khi tăng ca

Tại Điều 102 Bộ luật Lao động 2012 quy định về chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng lương, bậc lương: “Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.”

Tại Điều 6 Thông tư số  23/2015/TT-BLĐTBXH, sửa đổi bởi điểm c khoản 4 Điều 14 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tiền lương làm thêm giờ như sau:

“1. Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 104 của Bộ luật lao động và được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ

=

Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường

x

Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%

x

Số giờ làm thêm

Trong đó:

Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả theo công việc đang làm của tháng mà người lao động làm thêm giờ chia cho số giờ thực tế làm việc trong tháng (không quá 208 giờ đối với công việc có điều kiện lao động, môi trường lao động bình thường và không kể số giờ làm thêm).

Trường hợp trả lương theo ngày hoặc theo tuần, thì tiền lương giờ thực trả được xác định trên cơ sở tiền lương thực trả của ngày hoặc tuần làm việc đó (trừ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm) chia cho số giờ thực tế làm việc trong ngày hoặc trong tuần (không quá 8 giờ/ngày và không kể số giờ làm thêm).”

Như vậy, theo quy định trên, phụ cấp độc hại là một trong những chế độ phụ cấp được quy định trong hợp đồng lao động, việc tính tiền lương làm thêm giờ được tính trên tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, mà tiền lương thực trả cho người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH được xác định trên cơ sở HĐLĐ, bao gồm mức lương theo công việc hoặc theo chức danh trong thang lương, bảng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có) do người sử dụng lao động quy định trọng hợp đồng lao động.

Vậy tiền lương làm thêm giờ của người lao động bao gồm cả mức lương theo công việc hoặc theo chức danh (lương chính) cộng với phụ cấp độc hại theo công việc mà họ đảm nhận. Vậy Quý công ty phải tính phụ cấp độc hại khi công nhân gò, hàn tăng ca theo quy định của pháp luật.

Ngô Thị Mỹ Trâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Ngô Thị Mỹ Trâm

Công ty Luật FDVN

http://fdvn.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi