Phí và thù lao công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư

Câu hỏi: Xin chào, cho mình hỏi, mình vừa làm văn bản chuyển nhượng hợp đồng chung cư, trị giá 152.064.000 đồng, trước đó có làm hợp đồng ủy quyền căn chung cư đó cũng tại văn phòng công chứng đó. Hôm làm hợp đồng chuyển nhượng, văn phòng công chứng có làm văn bản hủy hợp đồng ủy quyền trước đây, làm 01 bản cam kết tài sản riêng. Tất cả các văn bản như vậy, văn phòng công chứng đó thu của mình 2.500.000 đồng. Mình thấy rất vô lý vì số tiền quá lớn so với mức phí được thu theo quy định. Hôm sau mình có làm bản cam kết tài sản riêng nữa, văn phòng công chứng đó thu: 500.000 đồng (khi mình làm chứng thực 03 bản cam kết tài sản riêng này thu 130.000 đồng). Thực sự mình bức xức vì cách thu như thế nhưng không có căn cứ nên mình muốn hỏi các bạn giúp mình về vấn đề này, vì mình sẽ phải làm việc nhiều với văn phòng công chứng. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Chi phí công chứng gồm: Phí công chứng và thù lao công chứng.

Thứ nhất, phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư

Mức thu và cách tính phí công chứng được áp dụng chung trên cả nước theo Thông tư số 257/2016/TT-BTC sửa đổi tại Thông tư số 111/2017/TT-BTC.

Phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà chung cư được tính theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch. Theo điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng được tính như sau:

Stt

Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

Mức thu

(đồng/trường hợp)

1

Dưới 50 triệu đồng

50.000

2

Từ 50 triệu đồng - 100 triệu đồng

100.000

3

Từ > 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng

0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

4

Từ > 1 tỷ đồng - 3 tỷ đồng

1 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1 tỷ đồng

5

Từ > 3 tỷ đồng - 5 tỷ đồng

2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 3 tỷ đồng

6

Từ > 5 tỷ đồng - 10 tỷ đồng

3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5 tỷ đồng

7

Từ > 10 tỷ đồng - 100 tỷ đồng

5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng.

8

Trên 100 tỷ đồng

32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).


Do đó, trong trường hợp của bạn, phí công chứng là 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng (152.064.000 x 0,1% = 152.064 đồng).

Trường hợp giá trị chuyển nhượng do các bên thỏa thuận trong hợp đồng thấp hơn mức giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định (căn cứ vào quyết định của UBND cấp tỉnh nơi có đất) thì giá trị tính phí công chứng như sau:

Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng = Diện tích đất, số lượng tài sản ghi trong hợp đồng, giao dịch (x) Giá đất, giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Nếu xét thấy giá trị hợp đồng thấp hơn giá nhà, đất của UBND cấp tỉnh nơi có đất quy định thì bạn và Văn phòng công chứng đối chiếu xác định giá trị quyền sử dụng đất để làm căn cứ tính phí công chứng theo bảng phí nêu trên.

Ngoài ra, theo như bạn trình bày, còn có phí hủy hợp đồng ủy quyền và phí công chứng Văn bản cam kết tài sản riêng:

Stt

Loại việc

Mức thu

(đồng/trường hợp)

1

Công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch

25.000

2

Các công việc công chứng hợp đồng, giao dịch khác

40.000


Thứ hai, thù lao công chứng hợp đồng chuyển nhượng

Thù lao công chứng là các khoản chi phí liên quan đến việc: Soạn thảo hợp đồng, giao dịch; Đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản; Lưu trữ hồ sơ; Công chứng ngoài trụ sở Văn phòng công chứng; Xác minh, giám định thông tin hồ sơ…

Mức thù lao công chứng này do tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình (xem tại Quyết định mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với  việc thu thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh nơi Văn phòng công chứng đặt trụ sở ban hành).

Văn phòng công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi công chứng người yêu cầu công chứng phải nộp 2 khoản chi phí gồm: Phí công chứng và thù lao công chứng. Các Văn phòng công chứng thu chung một lần nên dễ bị lầm tưởng là một khoản.

Trường hợp bạn bị thu phí cao hơn quy định ở trên, bạn có thể phản ánh, khiếu nại tới Sở Tư pháp nơi tổ chức công chứng có trụ sở.

Vũ Văn Toàn

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

0978994377

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật