Phân chia di sản thừa kế khi người được hưởng di sản mất

#4779 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ông bà ngoại của tôi có 5 người con, hiện nay cả 5 người con vẫn còn sống. Mẹ tôi lấy chồng và sinh ra 3 người con. Năm ngoái, mẹ tôi cũng ông ngoại đã mất trong một vụ tai nạn, mẹ tôi không để lại di chúc. 1 năm sau bà ngoại của tôi cũng mất. Vậy, nếu chia thừa kế theo pháp luật thì được chia như thế nào? Ông ngoại tôi mất cùng thời điểm với mẹ tôi thì suất thừa kế của ông ngoại từ mẹ tôi có được thế vị cho 5 người con của ông ngoại hay không? Bà ngoại tôi mất sau mẹ tôi thì suất thừa kế của bà ngoại từ mẹ tôi có đươc chia cho 5 người con của bà ngoại hay không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trong trường hợp này, mẹ sẽ là người để lại di sản. Vậy sau khi mẹ bạn mất mà không có di chúc nên di sản sẽ được chia theo hàng thừa kế căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015.

Hàng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Căn cứ Điều 619 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm:

“Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”

và Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị:

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Trường hợp của bạn không thuộc trường hợp ở Điều 652. Như vậy, ông ngoại bạn không được thừa kế di sản của mẹ bạn nên 5 người con của ông ngoại bạn cũng không có quyền thừa kế thế vị.

Bà ngoại bạn mất sau mẹ bạn 1 năm nên sẽ được chia ra 2 trường hợp:

+ Thứ nhất, nếu bà ngoại bạn để lại di chúc, trong di chúc có quy định cụ thể về việc chia phần di sản này cho những ai, bao nhiêu phần thì sẽ căn cứ vào di chúc mà người hưởng phần di sản để lại để chia phần di sản này cho những người được hưởng theo các điều khoản quy định trong di chúc.

+ Thứ hai, nếu bà ngoại bạn không để lại di chúc thì việc chia phần di sản này sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật về thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015 để tiến hành chia phần di sản. Các thủ tục cũng như quy tắc phân chia đều tuân theo quy định của pháp luật về chia di sản thừa kế.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY