Phân chia di sản thừa kế khi di chúc không rõ ràng

#5155 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietNam : Bố mẹ tôi có 10 người con. Năm 2015, Bố tôi mất có để lại di chúc . Trong di chúc ghi rõ tài sản sẽ được chia đều cho 10 người con (trong đó có 2 người chưa đủ 18 tuổi). Tuy nhiên lại có 1 điều khoản nữa đó là nếu trường hợp bố hoặc mẹ tôi ai mất trước tài sản sẽ được để lại cho người còn sống và người đó được toàn quyền quyết định với số tài sản đó. Vì vậy , vào năm 2019 mẹ tôi đã bán miếng đất với giá 17 tỷ, các con không ai biết. Xin hỏi luật sư, việc mẹ tôi bán mà không có sự đồng ý của các con có đúng không? Nếu các con không đồng ý thì phải làm gì để đòi lại được quyền lợi của mình? Chúng tôi có quyền gì với di sản thừa kế đó không?

Trả lời:

Trong di chúc ghi rõ tài sản sẽ được chia đều cho 10 người con (trong đó có 2 người chưa đủ 18 tuổi). Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.” Như vậy, chỉ cần là người còn sống và sinh ra trước thời điểm bố bạn chết thì đều có quyền được hưởng di sản thừa kế của bố bạn.

Tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “…Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng …”.

Theo đó, cần xác định nguồn gốc hình thành tài sản có phải tài sản chung của bố mẹ bạn không, nếu đó là tài sản chung của bố mẹ bạn thì khi còn sống bố bạn chỉ có quyền định đoạt ½ giá trị tài sản trong bản di chúc của mình. Tuy nhiên, theo nội dung trình bày thì ngoài việc chia điều cho 10 người ra, lại có 1 điều khoản nếu trường hợp bố hoặc mẹ tôi ai chết trước thì tài sản sẽ được để lại cho người còn sống và người đó được toàn quyền quyết định với số tài sản đó.

Tại khoản 4 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.” Theo đó, di chúc của bố bạn vẫn có hiệu lực đối với nội dung trong trường hợp bố hoặc mẹ bạn ai chết trước, tài sản sẽ được để lại cho người còn sống và người đó được toàn quyền quyết định với số tài sản đó. Như vậy, khi bố bạn chết trước thì phần di sản của bố bạn để lại sẽ do mẹ là người hưởng toàn bộ và có quyền quản lý, chiếm hữu, định đoạt và sử dụng đối với tài sản đó. Do đó, mẹ bạn bán đất không cần phải có sự đồng ý của các con và các con cũng chưa có quyền đối với tài sản này.

Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 648 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên di chúc vô hiệu để thực hiện chia theo pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY