Phân biệt hội từ thiện và quỹ từ thiện

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi muốn thành lập một tổ chức để quyên góp những khoản tiền từ thiện nhằm tổ chức những chuyến từ thiện về những nơi khó khăn. Vậy tôi nên thành lập hội từ thiện hay quỹ từ thiện ạ? Hai tổ chức này khác nhau như thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Trước hết cần làm rõ cho Anh/Chị biết về định nghĩa của Hội và của Quỹ để anh/chị có thể nắm rõ hơn về hình thức hoạt động của cả hai:

Về khái niệm của Hội thì căn cứ theo quy định tại Điều 2, Điều 4 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về Hội như sau:

“Điều 2. Hội

1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan...”

Còn khái niệm về Quỹ thì căn cứ theo Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP có quy định về quỹ và quỹ từ thiện được quy định như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quỹ: Là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

...

3. Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận…”

Như vậy về Hội và Quỹ khi thành lập đều có một số điểm chung như sau:

- Có tư cách pháp nhân và có thể có các tên gọi khác theo quy định của pháp luật;

- Tên được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; tên, biểu tượng của hội không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với tên của tổ chức khác đã được thành lập hợp pháp; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc

- Có trụ sở, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng riêng

- Trụ sở phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam

- Không vụ lợi, không vì mục đích lợi nhuận;

Tuy nhiên, điều kiện của việc thành lập hội và quỹ thì khác nhau, cho nên tùy điều kiện, khả năng mà Anh/Chị có thể tiến hành thành lập hội hay quỹ. Anh/Chị có thể tham khảo điều kiện thành lập của Hội và Quỹ như sau để lựa chọn.

Về điều kiện thành lập Hội:

- Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.

- Có điều lệ.

- Có trụ sở.

- Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:

+ Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Về điều kiện thành lập Quỹ:

- Quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.

- Có sáng lập viên thành lập quỹ đáp ứng điều kiện sau:

+ Đối với công dân Việt Nam: Có đủ năng lực hành vi dân sự không có án tích;

+ Đối với tổ chức của Việt Nam: Có điều lệ hoặc văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; nghị quyết của Ban lãnh đạo tổ chức về việc tham gia thành lập quỹ; quyết định cử người đại diện của tổ chức tham gia tư cách sáng lập viên thành lập quỹ;

- Có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định của pháp luật:

+ Đối với quỹ do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:

a) Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 6.500.000.000 (sáu tỷ năm trăm triệu đồng);

b) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 1.300.000.000 (một tỷ ba trăm triệu đồng);

c) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 130.000.000 (một trăm ba mươi triệu đồng);

d) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng).

+ Đối với trường hợp có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam thành lập quỹ phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau:

a) Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh: 8.700.000.000 (tám tỷ bảy trăm triệu đồng);

b) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 3.700.000.000 (ba tỷ bảy trăm triệu đồng);

c) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 1.200.000.000 (một tỷ hai trăm triệu đồng);

d) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 620.000.000 (sáu trăm hai mươi triệu đồng).

+ Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Tài sản đóng góp để thành lập quỹ không bị tranh chấp hoặc thực hiện nghĩa vụ tài chính khác.

Như vậy, tùy vào điều kiện như thành phần tham gia (chỉ có cá nhân, tổ chức Việt Nam hay cả cá nhân, tổ chức nước ngoài), số người tham gia hoặc tài chính mà anh/chị có thể lựa chọn thành lập Quỹ hay Hội để phù hợp với khả năng của mình.

Xem thêmCông ty có được phép thành lập quỹ từ thiện không?

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Thị Hướng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Thị Hướng

www.cilaw.vn- 0869008039

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi