Nước hoa có thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi cùng với một nhóm bạn có nghiên cứu và chế tạo ra một loại nước hoa và đang có ý định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với công thức pha chế nước hoa này. Tuy nhiên, nhiều người bảo là công thức pha chế này không đăng ký được vì nó là sản phẩm ảo. Vậy cho tôi hỏi, sản phẩm của tôi có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào Anh/chị,

Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng lựa chọn chúng tôi để giải đáp vấn đề pháp lý anh/chị đang gặp phải.

Căn cứ vào yêu cầu của anh/chị, trên cơ sở thông tin do anh/chị cung cấp và quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Để trả lời cho câu hỏi công thức pha chế nước hoa của anh/chị có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ được không thì trước hết cần xác định rõ 02 vấn đề sau:

(1) Công thức pha chế nước hoa được xếp vào nhóm đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nào;

(2) Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đó có phải thông qua thủ tục đăng ký hay không (vì không phải bất cứ đối tượng nào của quyền sở hữu trí tuệ đều phải thực hiện thủ tục đăng ký để được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ).

Về vấn đề xem xét công thức pha chế nước hoa của anh/chị thuộc đối tượng quyền sở hữu công nghiệp nào, Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (phần tư vấn sau sẽ gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định như sau:

“Điều 3. Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

1. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.”

Dựa trên cơ sở pháp lý trên, vì công thức nước hoa không thể là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học nên không xét đến nhóm đối tượng quyền tác giả tại khoản 1 Điều 3.

Tương tự cũng không xét nhóm đối tượng quyền đối với giống cây trồng tại khoản 3 Điều 3.

Đối với nhóm đối tượng quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 2 Điều 3, được giải thích cụ thể tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: 

- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. 

- Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử.

- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

- Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

- Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

- Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Vì công thức nước hoa không thể hiện dưới một hình thù, kiểu dáng nhất định nên không thể xếp vào đối tượng kiểu dáng công nghiệp.

Đồng thời công thức nước hoa của anh/chị cũng không thể hiện dưới dạng dấu hiệu chữ viết, hình ảnh, ký hiệu để phân biệt với sản phẩm, chủ thể kinh doanh khác hay với khu vực kinh doanh khác nên không thể xếp vào nhóm đối tượng nhãn hiệu, tên thương mại hay chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, công thức nước hoa cũng không mang các đặc tính của thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn đề cập ở định nghĩa trên.

Như vậy, công thức pha chế nước hoa của anh/chị chỉ có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế hoặc bí mật kinh doanh. 

 

Thứ nhất, xét trường hợp công thức nước hoa được bảo hộ dưới dạng sáng chế

Điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

“Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Như vậy, để phát sinh căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, anh/chị phải thực hiện thủ tục đăng ký đối với công thức pha chế nước hoa của mình.

Khi muốn đăng ký quyền sở hữu đầy đủ, chủ sở hữu công thức phải kê khai chi tiết danh sách hàng trăm chất hoá học cùng với tỉ lệ và cách thức chưng cất, ủ thành phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc để lộ công thức pha chế nước hoa và tạo điều kiện cho việc làm nhái dòng nước hoa được mang đi đăng ký sở hữu trí tuệ, tạo rủi ro và sự cạnh tranh thị trường cho chủ sở hữu công thức.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ đối với sáng chế cũng chỉ có 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Do đó, tính rủi ro khá cao khi văn bằng bảo hộ của anh/chị hết hiệu lực.

Bên cạnh đó, theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện:

i) Có tính mới;

ii) Có trình độ sáng tạo;

iii) Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Điều kiện về tính mới của sáng chế được Điều 60 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định chi tiết như sau:

“Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên”.

Trên thực tế, những người làm nước hoa muốn tạo mùi giống mùi đã có sẵn (mùi hương hoa, trái cây,...) cũng làm được. Có thể làm thủ công dựa trên kỹ năng của người chế tác mùi, có thể dùng công nghệ. Một cách công nghệ cao là dùng máy lượng phổ sắc khí (Gas chromatography-mass spectrometry machine) để phân tích cấu tạo nước hoa và pha chế giống hệt. Có những mùi nước hoa giống nhau, có thể là trùng hợp, có thể không, khó mà nói chính xác được vì người dùng không thể biết được những mùi hương đó đã được làm ra thế nào. Theo đó, việc chứng minh tính mới của sáng chế có thể gây khó khăn cho chủ sở hữu công thức nước hoa để đăng ký văn bằng bảo hộ.

 

Thứ hai, xét trường hợp công thức nước hoa được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định như sau:

“Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

Công thức pha chế nước hoa sẽ được xem là bí mật kinh doanh nếu do quá trình anh/chị tìm tòi sáng tạo ra, không dễ dàng có được; tạo lợi thế kinh doanh cho anh/chị và anh/chị bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. 

Đồng thời, điểm c khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:

“Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó”.

Như vậy nếu công thức nước hoa của anh/chị được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn, đảm bảo không để lộ bí mật kinh doanh và không cần thực hiện thủ tục đăng ký để được bảo hộ. Khi nào công thức đó còn là bí mật kinh doanh và tạo lợi thế kinh doanh cho anh/chị thì công thức đó còn được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, anh/chị cần lưu ý trong việc giữ gìn sự bảo mật của bí mật kinh doanh, vì Nhà nước sẽ không bảo hộ trong trường hợp anh/chị không bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó, dẫn đến việc bí mật kinh doanh bị bộc lộ và người khác dễ dàng tiếp cận được.

Kết luận chung: Công pha chế thức nước hoa của anh/chị có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện đã đề cập ở phần tư vấn trên mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp để được Nhà nước bảo hộ.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY