Nhân viên mang theo bí mật kinh doanh sang làm cho công ty đối thủ

Câu hỏi: Công ty A sở hữu độc quyền công thức pha chế nước giải khát tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt. Năm 2008, công ty thuê anh H vào làm quản đốc phân xưởng sản xuất. Qua thời gian làm việc, anh H đã tìm hiểu và thu thập được thông tin về công thức trên. Năm 2018, H xin nghỉ việc và được nhận vào công ty B là đối thủ cạnh tranh của công ty A. Công ty A phát hiện công ty B có hương vị giống với hương vị đặc trưng của công ty A nên cho rằng anh H đã cung cấp công thức pha chế nước giải khát đã biết của mình cho công ty B. Vậy, anh H và công ty B có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty A hay không?

Trả lời:

Công thức pha chế nước giải khát có thể được bảo hộ dưới dạng quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra.

Theo khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau mà không cần đăng ký:

“1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được.

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.”

Công ty A sở hữu độc quyền công thức pha chế nước giải khát tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt thì công thức pha chế nước giải khát đó có thể được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.

Khoản 1 Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh, gồm:

- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

- Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

- Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi nêu trên.

Như vậy, nếu anh H từng làm việc cho Công ty A và đã thu thập thông tin bí mật kinh doanh của Công ty A, đồng thời tiết lộ cho Công ty B để Công ty B sử dụng, sản xuất sản phẩm tương tự hoặc thực hiện các hành vi tại khoản 1 Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ nêu trên thì anh H và Công ty B có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với bí mật kinh doanh của Công ty A.

Tuy vậy, để có cơ sở xử lý vi phạm cũng như yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Công ty A cần thu thập, củng cố thêm các chứng cứ liên quan.

Kiều Anh Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Kiều Anh Vũ

Công ty luật KAV Lawyers

https://kavlawyers.com/- 84949761861

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi