Trả lời:
Thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản thừa kế.
Khi ông nội bạn mất thì quan hệ thừa kế sẽ được phát sinh, theo Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Do vậy, ông nội bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế của ông nội bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.
Trong đó, di sản của ông bạn bao gồm tài sản riêng của ông bạn, phần tài sản của ông bạn trong tài sản chung với người khác. Căn nhà do ông nội bạn đứng tên, tuy nhiên, cần phải xác định căn nhà thuộc sở hữu chung của ông bà bạn hay thuộc sở hữu riêng của ông bạn.
Khi đó, phần di sản thừa kế của ông bạn sẽ khác nhau, trường hợp là tài sản riêng thì toàn bộ căn nhà được xác định là di sản thừa kế; trường hợp là tài sản chung của ông bà bạn thì ½ căn nhà được xác định là di sản thừa kế còn ½ căn nhà còn lại thuộc quyền sở hữu của bà bạn.
Di sản thừa kế của ông nội bạn sẽ được chia theo pháp luật, theo đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Cụ thể, theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người có quyền thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm bà nội bạn, con đẻ, con nuôi của ông nội bạn.
Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vì vậy, trong trường hợp này, những người được hưởng di sản thừa kế tiến hành công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Để bà nội bạn có toàn quyền định đoạt với căn nhà thì các đồng thừa kế còn lại có thể thỏa thuận tặng cho bà nội bạn phần quyền hưởng di sản của mình.
Lúc này bà nội bạn tiến hành khai nhận di sản thừa kế và đăng ký quyền sở hữu do bà nội bạn một mình đứng tên. Sau đó thực hiện thủ tục mua bán căn nhà như bình thường. Trường hợp bà nội bạn và những đồng thừa kế sở hữu chung căn nhà thì khi bà nội bán nhà phải có sự đồng ý của tất cả những người còn lại.