Nhà ở xây dựng có giấy phép xây dựng có thời hạn thì có được bồi thường khi thu hồi đất không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ngày 20/11/2019, tôi có tiến hành xin giấy phép xây dựng trên thửa đất A. Tuy nhiên, do thửa đất nằm trong diện quy hoạch nên tôi được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Trong giấy phép xây dựng có thời hạn có ghi nhận cam kết về việc gia đình tôi phải có trách nhiệm tự tháo dỡ công trình và chịu mọi chi phí tháo dỡ trong trường hợp thu hồi đất. Vậy trong trường hợp trên, nếu nhà nước thu hồi đất thì căn nhà tôi xây dựng có được bồi thường không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, theo thông tin bạn cung cấp, thì có các nội dung trao đổi như sau:

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Xây dựng 2014;

- Luật Đất đai 2013;

- Nghị định 47/2014/NĐ-CP;

- Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014.

 

2. Có được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất hay không?

Căn cứ khoản 18 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 quy định: 

“18. Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.”

Dựa theo khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 quy định về điều kiện chung để được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn thì ta có thể hiểu rằng công trình xây dựng này chỉ được tồn tại trong thời hạn nhất định theo kế hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt. Chủ đầu tư, chủ công trình phải cam kết tự phá dỡ công trình khi hết thời hạn tồn tại được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế phá dỡ.

Tuy nhiên, có thể thấy trong khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng 2014 đã được sửa đổi như sau:

 “Điều 94. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm:

d) Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Như vậy, công trình bạn xây dựng trên đất thuộc diện quy hoạch sẽ được nhà nước bồi thường chi phí đầu tư vào đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.

 

3. Quy định về khoản bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

Trong trường hợp này, bạn cần tìm hiểu rõ xem thửa đất A mà bạn xây dựng công trình trên đó có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 về “Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” hay không? Nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 75 thì bạn sẽ được nhà nước bồi thường cả về đất. Còn nếu không thuộc trường hợp nào thì có thể căn cứ Điều 76 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

“Điều 76. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;

b) Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;

c) Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;

d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.''

Vậy, tại Điều 76 quy định về các trường hợp được nhà nước bồi thường về chi phí đầu tư vào đất. Ngoài ra, về chi phí bồi thường được chính phủ hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP như sau:

“Điều 3. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

2. Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:

a) Chi phí san lấp mặt bằng;

b) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

c) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

d) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

3. Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại:

a) Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại;

b) Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

4. Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và được xác định theo công thức sau:

P=((P1+P2+P3+P4)/T1)xT2
Trong đó:

P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;

P1: Chi phí san lấp mặt bằng;

P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;

T1: Thời hạn sử dụng đất;

T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.

Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.”

Xem thêm: Bồi thường khi thu hồi đất 2022: Không bị thiệt nếu biết 10 điều này

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Đoàn Trung Hiếu

Được tư vấn bởi: Luật sư Đoàn Trung Hiếu

Văn phòng luật sư Hỗ trợ phát triển Cộng Đồng

https://tuvanphaply.com.vn- 093.675.0123

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi