Trả lời:
Trong quan hệ dân sự này, vấn đề thừa kế được coi là một lĩnh vực quan trọng. Việc xác định quan hệ pháp luật về việc thừa kế tài sản do người chết để lại và người được hưởng thừa kế có ý nghĩa lớn đối với việc xác lập quyền sở hữu, chiếm hữu, định đoạt và sử dụng. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất cụ thể cách giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.
Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế có ít nhất một bên chủ thể là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Tại Điều 380 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
- Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
- Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
- Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính”.Như vậy, vợ của anh trai bạn là công dân có quốc tịch người nước ngoài nên việc xác định quan hệ pháp luật thuộc diện hành thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do đó, vợ của anh trai bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế đối với tài sản là căn nhà và quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 678 Bộ luật Dân sự hiện hành: “Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Tuy nhiên, theo quy định khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 thì người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là người nước ngoài nên không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định.
Do đó, chị dâu của anh trai bạn chỉ được hưởng giá trị của tài sản của anh trai bạn thông qua việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác đủ điều kiện theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!