Trả lời:
Với thông tin bạn đã cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Xác định tài sản (đất đai) có thuộc quyền sở hữu của bạn không?
- Trường hợp 01: Bạn được thừa kế di sản theo di chúc
Nếu di chúc của ông bạn là di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản (đất đai) sẽ thuộc quyền sử dụng của bạn (mặc dù bạn chưa đứng tên tài sản).
Tuy nhiên, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình, bạn nên sớm thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất để tránh việc tranh chấp về sau và thuận lợi trong quá trình sử dụng.
Nếu di chúc của ông bạn không phải là di chúc hợp pháp thì bạn không có quyền đối với tài sản đó.
- Trường hợp 02: Bạn được thừa kế theo pháp luật
Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Theo đó, bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bạn là cháu nội, thuộc “hàng thừa kế thứ hai: […] cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội” và bố mẹ bạn thuộc “hàng thừa kế thứ nhất: […] con đẻ của người chết” theo quy định khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Khi đó, tài sản (đất đai) sẽ thuộc quyền sử dụng của bạn.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình, bạn nên sớm thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất.
2. Xác định những người thừa kế được hưởng di sản thừa kế từ bạn
Nếu quyền sử dụng đất là của bạn, thì khi bạn chết tài sản này sẽ trở thành di sản thừa kế theo Điều 612, Bộ luật Dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Trường hợp 01: Bạn chết có để lại di chúc
Điều 626, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có quyền sau đây:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, nếu như bạn có lập di chúc, bạn có quyền lựa chọn người được hưởng di sản thừa kế theo ý chí của mình. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý các điều kiện để di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự.
Trường hợp 02: Bạn chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp
Điều 649, Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế theo pháp luật nêu rõ, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Với trường hợp này, bạn sẽ không lựa chọn người được hưởng di sản thừa kế theo ý chí của mình. Những người thừa kế sẽ được xác định theo quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.