Trả lời:
1. Quyền khiếu nại của người lao động về lao động như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì khiếu nại về lao động được hiểu như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 10 của Nghị định này quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, cụ thể như sau:
Điều 10. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại
1. Người khiếu nại có quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại;
b) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
c) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;
d) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu và giao cho người giải quyết khiếu nại để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;
e) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
g) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại;
h) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
i) Rút khiếu nại theo quy định tại Điều 8 Nghị định này;
k) Khiếu nại lần hai;
l) Khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Tóm lại, người lao động khi cho rằng hành vi, quyết định của công ty là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của mình thì có thể thực hiện thủ tục khiếu nại.
2. Thủ tục người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định về trình tự khiếu nại của người lao động như sau:
Điều 5. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này hoặc thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định sau đây:
a) Đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này;
b) Đối với khiếu nại về giáo dục nghề nghiệp, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này;
c) Đối với khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này;
d) Đối với khiếu nại về việc làm, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
3. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
4. Trường hợp người bị khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
Theo quy định này, người lao động có thể thực hiện quyền khiếu nại theo trình tự nêu trên. Cụ thể:
* Thực hiện khiếu nại lần đầu
- Khi người lao động cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu.
- Người giải quyết khiếu nại lần đầu là người sử dụng lao động.
* Thực hiện khiếu nại lần hai
- Người lao động khiếu nại lần hai trong trường hợp:
+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
+ Quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết.
- Người lao động gửi khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
* Khởi kiện tại Tòa án
- Bên cạnh việc khiếu nại thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án khi:
+ Ngay từ đầu người lao động có thể chọn khởi kiện tại Tòa án khi cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
+ Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà người lao động chưa được giải quyết;
+ Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai;
+ Quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà người lao động chưa được giải quyết.
3. Hình thức người lao động thực hiện khiếu nại như thế nào?
Người khiếu nại có thể khiếu nại thông qua 2 hình thức: khiếu nại trực tiếp hoặc gửi đơn khiếu nại (Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP) như sau:
* Hình thức gửi đơn khiếu nại
- Người lao động gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
+ Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và
+ Yêu cầu giải quyết khiếu nại.
+ Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ
Lưu ý: trường hợp nhiều người cùng khiếu nại thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.
* Hình thức khiếu nại trực tiếp
- Người khiếu nại đến gặp người có thẩm quyền tiếp nhận việc khiếu nại.
- Người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại như quy định đối với đơn khiếu nại như trên. Người tiếp nhận khiếu nại yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
- Trường hợp nhiều người khiếu nại thì cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại và yêu cầu người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.
4. Thời hiệu người lao động khiếu nại về lao động là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP về thời hiệu khiếu nại như sau:
Điều 7. Thời hiệu khiếu nại
1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.
2. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Như vậy, thời hiệu người lao động khiếu nại là 180 ngày.
- Thời hiệu được tính từ ngày người lao động nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động
- Thời gian không được tính vào thời hiệu khi: người lao động ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác.
Xem thêm: Người lao động cần làm gì khi công ty nợ lương?
Trên đây là nội dung tư vấn về "Người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!