Trả lời:
Căn cứ Điều 148 Bộ luật lao động 2019 có quy định về người cao tuổi như sau:
Điều 148. Người lao động cao tuổi
1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.
2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Căn cứ Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
Như vậy, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Căn cứ quy định tại Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Điều 123. Điều khoản chuyển tiếp
[...]
8. Người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11.
9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, người lao động cao tuổi chưa được hưởng lương hưu vẫn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, do đó vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo khoản 1, Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.
Theo đó, căn cứ Điều 122 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội như sau:
Điều 122. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội
[...]
3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, việc người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động là vi phạm quy định pháp luật hiện hành và có thể bị xử phạt hành chính.
Do đó, công ty bạn phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời việc không đóng bảo hiểm xã hội mà trả luôn vào tiền lương là vi phạm quy định của pháp luật.
Xem thêm: Lập di chúc để lại đất nhưng không cho bán, có được không?
Trên đây là nội dung tư vấn về "Người lao động cao tuổi chưa hưởng lương hưu có bắt buộc đóng BHXH không?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!