Trả lời:
I. Người giám hộ được sử dụng sử dụng tài sản của người được giám hộ để giải quyết các nhu cầu cá nhân cho người được giám hộ
Khoản 1 Điều 58 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về vấn đề này như sau:
“Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có quyền: Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ; Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”
Chữa bệnh được coi là nhu cầu thiết yếu cho người được giám hộ cho nên bạn có quyền bán vàng của cháu bé để kịp thời chữa bệnh cho cháu.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý giữ lại các biên lai, chứng từ chi phí chữa bệnh để phòng lúc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra nghĩa vụ của người giám hộ.
II. Lưu ý về người giám hộ và người được giám hộ
1. Về người được giám hộ
Theo Điều 47 Bộ luật Dân sự hiện hành thì cháu bé là người được giám hộ nếu cháu trơi vào trường hợp là người chưa thành niên không còn cha mẹ.
2. Về người giám hộ
Người giám hộ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
Các trường hợp cá nhân được là người giám hộ gồm:
2.1. Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 thì người giám hộ là cá nhân phải là người đáp ứng được các tiêu chí: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có tư cách đạo dức và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ; không đang trong lúc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích về các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác. Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
2.2. Cá nhân đương nhiên là người giám hộ cho người chưa thành niên xét theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 52 Bộ luật Dân sự hiện hành, cụ thể như sau:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
- Trường hợp không có anh chị em ruột đủ điều kiện như nêu trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp không có những người nêu trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
2.3. Trường hợp không có tất cả những người nêu trên thì UBND cấp xã/phường nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Nếu cháu bé đủ 16 tuổi trở lên thì khi cử người giám hộ phải có sự đồng ý của cháu.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!