Người dân tộc thiểu số đã chuyển khẩu có được hưởng 100% BHYT?

Câu hỏi:

Vợ mình dân tộc Mường, ở Phượng Mao, Thanh Thủy, Phú Thọ. Trước khi lấy chồng, vợ mình được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) 100%. Sau khi lấy chồng, vợ chuyển khẩu về nhà chồng ở Nam Định thì có được hưởng BHYT 100% nữa không?

Nếu làm thì làm thẻ ở Nam Định hay Phú Thọ? Mong được giải đáp. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Thứ nhất, thủ tục đổi thẻ BHYT khi đổi nơi thường trú

Thẻ BHYT do cơ quan BHXH phát hành sẽ phản ánh thông tin cá nhân của người tham gia BHYT, bao gồm: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của chủ thẻ BHYT.

Như vậy, trong trường hợp thông tin về nơi cư trú trên thẻ BHYT thay đổi thì để đảm bảo quyền lợi, bạn cần làm các thủ tục để đổi lại thẻ bảo hiểm y tế.

Cụ thể, theo Điều 19 Luật BHYT 2008 sửa đổi bổ sung 2014 các trường hợp đổi thẻ BHYT như sau:

- Rách, nát hoặc hỏng;

- Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;

- Thông tin ghi trong thẻ không đúng.

Theo đó, khi lấy chồng (thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu), bạn cần làm các thủ tục đổi thẻ để đảm bảo các chế độ được hưởng.

Thủ tục đổi thẻ BHYT thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật BHYT, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia bảo hiểm y tế;

- Thẻ bảo hiểm y tế cũ

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì thủ tục này sẽ được thực hiện tại cơ quan BHYT cấp huyện nơi vợ bạn thường trú. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức bảo hiểm y tế sẽ tiến hành đổi thẻ bảo hiểm y tế.

Thứ hai, mức hưởng bảo hiểm y tế khi đổi thẻ

Theo Điều 14 Nghị định định 146/2018, người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

“[…] 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 8, 9, 11 và 17 Điều 3 Nghị định này […]”

Cụ thể, khoản 9 Điều 3 quy định người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác.

Theo đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Do bạn cung cấp thông tin không rõ vợ bạn chuyển về Nam Định có thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hay không. 

Nếu không đáp ứng quy định nêu trên thì không được hưởng 100% BHYT. Ngoại trừ các trường hợp: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Phạm Thị Bích Hảo

Được tư vấn bởi: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Công ty Luật TNHH Đức An

http://luatducan.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi