Nên làm gì khi bị chậm cấp sổ đỏ

Câu hỏi:

Xin chào LuatVietnam! Năm 1993, gia đình tôi có mua 1 mảnh đất và xây nhà ở lên đó. Đến năm 1996 thì được cấp bìa đỏ. Và cách đây mấy năm UBND xã có cấp lại bìa đỏ mới cho dân. Nhưng lúc ấy bìa đỏ của gia đình tôi đang cầm cắm ở ngân hàng nên không làm được. Năm 2017 gia đình tôi mới lấy được bìa đỏ ra và đi làm lại thì được cán bộ địa chính xã thông báo là bìa đỏ chúng tôi không có trong sơ đồ của xã và của huyện (từ trước tới nay gia đình tôi vẫn nộp tất cả các loại thuế có liên quan đến đất đai nhà ở). Từ năm 2017 đến nay UBND xã vẫn chưa giải quyết cho chúng tôi mong được tư vấn giúp. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TGS - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo thông tin bạn cung cấp thì tôi hiểu là gia đình bạn đang thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“Giấy chứng nhận”). Tại Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

“a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;

c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;

d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.”

Theo quy định nêu trên, gia đình bạn đã được cấp Giấy chứng nhận vào năm 1996 nên thuộc trường hợp được cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn sẽ phải nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 và Điều 11 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính, gồm có:

“a) Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.”

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Tại Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 40 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận là không quá 07 ngày, trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Thời hạn nêu trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với thủ tục này được tăng thêm 10 ngày.

Trong trường hợp vì lý do nào đó mà các cơ quan quản lý của xã và huyện làm thất lạc, không còn lưu trữ bản lưu của Giấy chứng nhận này thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan này. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phải kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận, trong đó có bản chính Giấy chứng nhận (đã cấp vào năm 1996) mà gia đình bạn cung cấp, để xác định các thông tin, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình bạn. Nếu giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình bạn là hợp pháp thì các cơ quan có thẩm quyền vẫn phải xem xét và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bạn theo các quy định nêu trên.

Nếu bạn đã nộp đầy đủ các hồ sơ hợp lệ theo quy định nêu trên từ năm 2017 nhưng cho đến nay, UBND xã và các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết xong vụ việc thì đó là việc làm trái pháp luật. Trong trường hợp này, bạn có quyền làm đơn khiếu nại, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết vụ việc, thực hiện các thủ tục cấp đổi quyền sử dụng đất cho gia đình bạn theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Đức Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

0918.368.772

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi