Người cho vay chết, có cần phải trả nợ nữa không?

#10452 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi có vay thế chấp của cô tôi số tiền là 500 triệu đồng để làm ăn (khi vay có ký giấy tờ đầy đủ). Khi tôi chưa trả hết nợ thì cô tôi chết. Cô tôi không có chồng con, bố mẹ cũng đã qua đời, hiện chỉ còn 2 người chị gái. Xin hỏi trường hợp này tôi có phải trả nợ nữa không? Trả nợ ai? Hiện sổ đỏ của tôi một người chị gái của cô tôi đang giữ và cố tình không trả lại cho tôi. Xin hỏi trường hợp này tôi phải làm sao? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 (Sau đây gọi chung là BLDS):

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng vay tài sản, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản,….

Về thời hiệu của hợp đồng vay tài sản: Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định về thời hiệu vay tài sản. Do vậy, chủ nợ hoặc những người thừa kế của chủ nợ có quyền đòi tài sản cho vay bất luận thời hạn vay đã quá bao lâu. Căn cứ khoản 1 Điều 466 BLDS quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành nêu trên, bạn đương nhiên phải có nghĩa vụ trả nợ 500.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Năm trăm triệu đồng). Tuy nhiên, việc trả cho ai phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể như sau:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành về thừa kế, căn cứ Điều 609 BLDS có quy định như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Như vậy, khi một người qua đời thì di sản của họ để lại sẽ được chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật. Do vậy, để xác định bạn có nghĩa vụ phải trả nợ cho ai cần xem xét người cho bạn vay (chủ nợ) có để lại di chúc hay không, di chúc đó có hợp pháp hay không.

Trường hợp 1: Chủ nợ có để lại di chúc và được xác định là hợp pháp, bạn có nghĩa vụ trả cho người được chỉ định trong di chúc thụ hưởng số tiền mà chủ nợ cho bạn vay.

Trường hợp 2: Chủ nợ không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì bạn có nghĩa vụ trả cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của người chết. Nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai thì bạn có nghĩa vụ trả cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai và tiếp đến là hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật về thừa kế, nếu hàng thừa kế thứ hai cũng không còn ai.

Trong trường hợp thân nhân của chủ nợ đến đòi bạn tiền, bạn có thể yêu cầu họ xuất trình: hợp đồng vay nợ (giấy xác nhận vay tiền); giấy tờ tùy thân (như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh); di chúc của chủ nợ (nếu có); văn bản khai nhận thừa kế lập tại cơ quan công chứng có thẩm quyền; văn bản cử đại diện nhận tiền (nếu có). Việc thanh toán tiền nên được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực để ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với người nhận tiền nếu sau này phát sinh bên thứ 3 có quyền đối với khoản tiền mà chủ nợ cho bạn vay.

Sau khi hoàn trả hết số tiền còn nợ bạn có quyền lấy lại giấy tờ sử dụng để thế chấp của mình. Trong trường hợp đã hoàn trả hết số tiền còn nợ cho bên chủ nợ (người thừa kế theo di chúc hoặc pháp luật của chủ nợ) nhưng vẫn không được giao trả lại sổ đỏ, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu họ trả lại sổ đỏ cho mình.

Xem thêm: Có được đòi nợ thay người đã mất không?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Người cho vay chết, có cần phải trả nợ nữa không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY