Trả lời:
Trước hết phải căn cứ vào các điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc. Khoản 1 điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”.
Theo đó, người lao động hoàn toản có thể được hưởng trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc ngay sau thời gian thai sản nếu người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên và đáp ứng 1 trong các điều kiện mà pháp luật đã quy định tại Điều 36 và Điều 48 Bộ luật Lao động nói trên.
Người lao động cũng cần lưu ý về cách xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc. Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì “Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:
a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…”.
Thêm vào đó, thời gian mà người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp mà sẽ được tính vào thời gian làm việc thực tế cho doanh nghiệp để được tính vào trợ cấp thôi việc (Theo quy định tại khoản 6 điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Vì vậy, nếu đáp ứng đủ về mặt thời gian làm việc và điều kiện nghỉ việc ngay sau khi nghỉ thai sản thì người lao động có thể được nhận trợ cấp thôi việc.
Ngoài ra, người lao động còn có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp. Căn cứ theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm 2013:
“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;….”
Như vậy, nếu đủ điều kiện như trên thì người lao động có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp khi xin nghỉ ngay sau nghỉ chế độ thai sản.