Mua đất khi chưa có giấy chứng nhận có bị tuyên giao dịch vô hiệu?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Năm 2005, tôi có ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với anh A. Tuy nhiên, do anh A chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm đó không có công chứng, chứng thực. Sau khi nhận chuyển nhượng đất, tôi có trồng cây, xây nhà và sử dụng thửa đất này từ đó đến nay. Ngày 24/12/2021, anh A yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên vô hiệu và yêu cầu tôi hoàn trả lại thửa đất trên. Vậy trong trường hợp trên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tôi có bị tòa án tuyên vô hiệu không? Xin cảm ơn.!

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 để được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất thì đất phải có các điều kiện sau:

+ Có giấy chứng nhận

+ Đất không có tranh chấp;

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án

+ Trong thời hạn sử dụng đất.

Tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.”

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì từ ngày 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) cho đến nay thì khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Nếu không công chứng hoặc chứng thực thì sẽ không có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:

“2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Như vậy, đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực nhưng một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì được Tòa án công nhân có hiệu lực của giao dịch đó.

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình do Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân tối cao ban hành quy định Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ sau ngày 15/10/1993:

“a) Điều kiện để công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 131, các điều từ Điều 705 đến Điều 707 và Điều 711 của Bộ luật dân sự, khoản 2 Điều 3, Điều 30, Điều 31 của Luật Đất đai năm 1993 và khoản 1 Điều 106, điểm b khoản 1 Điều 127, khoản 1 Điều 146 của Luật Đất đai năm 2003, thì Toà án chỉ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng đó có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a.1) Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có năng lực hành vi dân sự;

a.2) Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn toàn tự nguyện;

a.3) Mục đích và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không trái pháp luật, đạo đức xã hội;

a.4) Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003;

a.5) Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện về nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật;

a.6) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

b) Xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có đầy đủ các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.3 mục 2 này.

b.3) Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 tiểu mục 2.3 mục 2 này, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất, thì Toà án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất có nhà ở và hủy phần hợp đồng đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.”

Như vậy, đối chiếu với các quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 và điểm b.3, tiểu mục 2.3 mục 2 nêu trên tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2005, các bên đã vi phạm các điều kiện giao dịch khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công chứng, chứng thực nhưng sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng một hoặc hai bên đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của hợp đồng (ví dụ đã thanh toán đủ tiền cho bên chuyển nhượng, bàn giao đất cho bên nhận chuyển nhượng,…) và trong quá trình sử dụng bạn đã xây dựng công trình nhà ở, trồng cây trên đất,… sử dụng ổn định lâu dài mà bên chuyển nhượng không phản đối, không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm thì bạn có quyền đề nghị Tòa án công nhận hợp đồng.

Xem thêm: Đất mua bằng giấy viết tay: 5 quy định cần biết để làm Sổ đỏ

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Lương Thành Đạt

Được tư vấn bởi: Luật sư Lương Thành Đạt

Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis

Vichanly.com - 0988265333

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi