Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Tại điểm b mục 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:
“b. Khoản 2 Điều 27 quy định: "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng.
[…]. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32 (ví dụ: được thừa kế riêng một khoản tiền và dùng khoản tiền này mua cho bản thân một chiếc xe môtô mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp không chứng minh được tài sản đang có tranh chấp này là tài sản riêng thì theo quy định tại khoản 3 Điều 27 tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.”
Mặt khác, theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 chỉ bắt buộc phải có đầy đủ chữ ký của hai vợ chồng trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thửa đất đó là tài sản chung của hai vợ chồng và vợ chồng phải là bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo đó, quyền sử dụng đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân do vợ hoặc chồng đứng tên trên Hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều được công nhận là tài sản chung của vợ chồng nên chỉ cần vợ hoặc chồng đứng tên và ký vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền đứng tên và ký vào mục bên nhận chuyển nhượng trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần có chữ ký của vợ bạn thì Hợp đồng chuyển nhượng đó vẫn hoàn toàn hợp pháp.
Việc một mình bạn ký vào mục bên nhận chuyển nhượng trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất để sang tên chủ sử dụng đất sẽ không gặp bất kỳ vướng mắc gì.
Khi đó, thửa đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đứng tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp hai vợ, chồng có thỏa thuận vợ hoặc chồng là người đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận theo khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013:
“4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.”
Xem thêm: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có chữ ký của vợ có hiệu lực không?