Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thế chấp có quyền bán tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Nghĩa là ông/bà được bán xe cho anh H nếu được bên nhận thế chấp (ngân hàng) đồng ý. Do đó, việc ông/bà bán xe là tài sản đang thế chấp cho ngân hàng mà không thông báo cho ngân hàng thì giao dịch mua bán này không đúng theo quy định của pháp luật và không ràng buộc đối với ngân hàng. Do đó, ông/bà là bên vay, bên thế chấp với ngân hàng thì vẫn sẽ có nghĩa vụ tiếp tục trả nợ cho ngân hàng theo thỏa thuận tại các hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng).
Về việc giao dịch mua bán giữa ông/bà với anh H, ông/bà cần tìm anh H để thỏa thuận chấm dứt giao dịch, lấy lại xe, hoàn trả lại tiền cho anh H (nếu có nhận). Trường hợp anh H không đồng ý thì ông/bà có thể khởi kiện vụ tranh chấp ra Tòa án để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không liên lạc được với anh H, có dấu hiệu anh H bỏ trốn, chiếm đoạt xe và không trả tiền thì ông/bà có thể tố cáo ra cơ quan công an về hành vi có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (cụ thể là dấu hiệu của hành vi nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó) để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.