Miễn chấp hành hình phạt tù do lập công lớn

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ngày 31/8/2021, tôi có trộm cắp tài sản ở nhà anh A với giá trị là 500 triệu đồng. Trên đường tẩu thoát từ nhà anh A, tôi có gặp 5 đứa trẻ đang kêu cứu ở sông. Tôi liền nhảy xuống và cứu thoát được 5 đứa trẻ. Sau đó, tôi bị cơ quan công an bắt và khởi tố hình sự về tội trộm cắp tài sản. Vậy trong trường hợp này, tôi có được miễn chấp hành hình phạt tù do đã lập công lớn không? Tôi có thể bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Tội trộm cắp tài sản giá trị 500 triệu đồng trở lên theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm :

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;”

Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định như sau:

“Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt

3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, để được miễn chấp hành hình phạt phải có đủ các điều kiện sau:

1) Đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

2) Không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

3) Được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Khái niệm “Đã lập công lớn” được hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP như sau:

“Lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát  minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.”

Như vậy, việc bạn cứu 5 đứa trẻ đang kêu cứu dưới sông có thể được xem xét thuộc trường hợp lập công lớn theo quy định trên, cụ thể là cứu người trong tình thế hiểm nghèo.

Tuy nhiên, để được hưởng miễn chấp hành hình phạt thì ngoài việc lập công lớn, bạn còn phải đáp ứng điều kiện là không còn nguy hiểm cho xã hội. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP thì người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội được chứng minh bằng việc họ đã hoàn luơng, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội... hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được...

Và để được miễn chấp hành hình phạt thì phải được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Công ty Minh Long Legal

Được tư vấn bởi: Luật sư Công ty Minh Long Legal

Công ty TNHH Minh Long Legal

http://minhlonglegal.com/index.html- 03 7777 3369

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi