Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân gia đình 2014, nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng là theo thỏa thuận tài sản của vợ chồng (nếu có) hoặc theo nguyên tắc chia đôi, đồng thời có tính đến các yếu tố khác như lỗi của các bên, công sức đóng góp của mỗi bên trong khối tài sản chung… Đối với tài sản riêng vợ/chồng thì khi ly hôn không phải chia.
1. Trường hợp căn hộ là tài sản chung của vợ chồng
Như vậy nếu căn nhà này là tài sản chung của hai vợ chồng, bạn muốn giữ lại làm tài sản cho con bạn phải trả cho chồng số tiền tương ứng với một nửa giá trị căn nhà (tức là 50% giá trị căn nhà). Sau đó, bạn có thể tiến hành thực hiện thủ tục sang tên căn hộ đứng tên mình.
Hai vợ chồng bạn có thể phân chia căn nhà theo hai cách:
Một là, hai bên lập văn bản thỏa thuận việc phân chia giá trị căn nhà và số tiền tương ứng giá trị ½ căn nhà bạn phải trả cho chồng cũ.
Thứ hai, nếu không thể thỏa thuận được giá trị căn nhà, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án chia tài sản chung sau khi ly hôn. Khi đó, số tiền bạn phải trả lại cho chồng cũ tương ứng 1/2 giá trị căn nhà theo giá thị trường tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật.
2. Trường hợp căn hộ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng
Nếu căn hộ là tài sản riêng của bạn, bạn phải chứng minh: tài sản riêng bạn có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng rong thời kỳ hôn nhân; tài sản được hình thành từ tài sản riêng (theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình)
Khi đủ chứng cứ để chứng minh căn hộ là tài sản riêng của mình thì chồng cũ của bạn không có quyền lợi gì đối với căn hộ và cũng không được yêu cầu chia đôi. Và bạn có thể giữ căn nhà này để hai mẹ con ở.
3. Sau ly hôn muốn giành lại quyền nuôi con có được không?
Khoản 1, Điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
...
Và việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có 01 trong hai căn cứ:
Thứ nhất là cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
Thứ hai, người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trong việc trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Cần lưu ý là việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Ngoài ra, nếu xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu nhận thấy người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trong việc trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì tên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
- Người thân thích của trẻ;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
Từ những căn cứ trên cho thấy, bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án đã giải quyết việc ly hôn trước đó để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Ngoài ra, việc chồng bạn ngăn cấm hay giới hạn số lần bạn đến thăm con là không đúng với quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
…
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Mặt khác nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con mà lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Việc chồng bạn ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con sau ly hôn sẽ bị xử phạt theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo đó, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Xem thêm: Thủ tục ly hôn 2024: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
Trên đây là nội dung tư vấn về “Ly hôn muốn giữ lại nhà cho con có được không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!