Trả lời:
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì có 4 loại hình doanh nghiệp điển hình sau:
- Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do 01 cá nhân làm chủ. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập 01 DNTN.
- Công ty hợp danh: phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới 01 tên chung (sau đây gọi chung là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
- Công ty cổ phần: thành viên có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng tối thiểu là 03 cổ đông, không hạn chế tối đa.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn: gồm Công ty TNHH một thành viên do 01 tổ chức hoặc 01 cá nhân làm chủ sở hữu. Công ty TNHH hai thành viên trở lên do 02 thành viên trở lên có thể là cá nhân, tổ chức với số lượng tối đa không vượt quá 50 thành viên.
Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu, định hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai mà không phụ thuộc kinh doanh lĩnh vực nào. Chẳng hạn các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn loại hình doanh nghiệp như;
1) Vốn: Nếu bạn muốn huy động vốn dễ dàng thì có thể chọn loại hình doanh nghiệp Công ty cổ phần, nhưng nếu bạn muốn dùng vốn tự có hoặc giới hạn gia nhập của các thành viên mới thì nên chọn loại hình công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân.
2) Quyền quản lý công ty: Trong các loại hình trên thì Doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH là hai loại hình có ít rủi ro nhất đảm bảo quyền quản lý công ty của bạn bởi có thể giới hạn các thành viên mới tham gia cũng như có nhiều hạn chế trong chuyển nhượng vốn góp.
3) Quy mô phát triển: Dựa trên đặc điểm huy động vốn tốt nhất và khả năng linh động trên thị trường thì nếu bạn có định hướng phát triển công ty ở quy mô lớn thì loại hình công ty Cổ phần có thể là lựa chọn phù hợp nhất đối với bạn.
4) Trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp: Nếu bạn muốn hạn chế rủi ro trong thời hạn kinh doanh cho dù có thua lỗ cũng k ảnh hưởng đến tài sản của cá nhân bạn thì nên chọn loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp theo đó kể cả công ty thua lỗ hơn nhiều lần so với vốn góp của công ty thì chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp mà k ảnh hưởng đến tài sản cá nhân của mình. Đó là các loại hình Công ty cổ phần, Công ty TNHH.
Ngoài các vấn đề cơ bản trên thì còn một số yếu tố khác nữa để đi đến quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi giữa các loại hình doanh nghiệp cũng không quá khó nên khi khởi nghiệp bạn không nên quá lo về loại hình doanh nghiệp.
Hy vọng các tư vấn của chúng tôi có thể giúp ích được bạn khởi nghiệp thành công.