Lén lút trồng thuốc phiện có bị xử lý hình sự không?

Câu hỏi:

Ở xã miền núi nơi tôi sống vẫn còn tình trạng một số hộ dân lén lút trồng cây thuốc phiện, mặc dù các hộ dân này đã được chính quyền địa phương giáo dục nhiều lần, có người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chính quyền xã đã hỗ trợ giống cây trồng để làm ăn, ổn định sản xuất nhưng họ vẫn tiếp tục lén lút trồng cây thuốc phiện. Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, ngoài biện pháp giáo dục, thuyết phục, xử phạt vi phạm hành chính, nếu họ vẫn cố tình vi phạm có xử lý về hình sự được không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với nội dung câu hỏi của bạn, Luật sư Nguyễn Quang Tâm, thuộc Công ty Luật TNHH MTV Phúc Quang – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội có ý kiến tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:

“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Các yếu tố cấu thành tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:

Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này phải có đủ các dấu hiệu sau:

- Có hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (không kể bằng kỹ thuật nào, ở đâu) để thu hoạch cây, hoa, lá … của các loại cây đó. Đây là các loại cây các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ.

- Đã được giáo dục nhiều lần: Đã được cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội … cũng như những người có trách nhiệm ở địa phương, vận động, thuyết phục, nhắc nhở cho làm cam kết từ hai lần trở lên không được trồng cây thuốc phiện và các loài cây khác có chứa chất ma túy. Đồng thời họ cũng đã được tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách cũng như quy định của pháp luật về việc cấm trồng cây thuốc phiện và các loại cây có chứa chất ma túy khác. Chỉ bị coi là đã được giáo dục nhiều lần nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.

Mỗi lần giáo dục phải được thể hiện bằng văn bản để chứng minh là họ đã được giáo dục.

- Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống: Đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.

- Đã được xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm: Trước đó đã có lần trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012) nay lại trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy mà bị phát hiện.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy.

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm nêu trên là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Do đó, để xác định một người trồng cây thuốc phiện có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, thì phải xem xét có đầy đủ các dấu hiệu nêu trên (tức có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa), nếu thiếu một trong các dấu hiệu nêu trên thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Kết luận: Như vậy, việc một số hộ dân lén lút trồng cây thuốc phiện, mặc dù các hộ dân này đã được chính quyền địa phương giáo dục nhiều lần, có người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chính quyền địa phương đều đã hỗ trợ giống cây trồng để làm ăn, ổn định sản xuất nhưng vẫn cố tính trồng cây thuốc phiện thì sẽ bị xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.

Một số cá nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp luật pháp để lén lút trồng cây thuốc phiện. Hành vi này ngoài việc đã trực tiếp vi phạm pháp luật, họ còn đã và đang đầu độc cả một thế hệ người Việt Nam. Vì vậy, theo chúng tôi cần thiết phải nghiêm khắc hơn, xử lý mạnh hơn các đối tượng trồng cây thuốc phiiện như trường hợp bạn hỏi hoặc các loại cây chứa chất gây nghiện khác./.

Nguyễn Quang Tâm

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Quang Tâm

Công ty luật TNHH MTV Phúc Quang

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật