Được lấy lại tiền cọc du lịch do ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19?

Câu hỏi:

Chào Luật sư! Cho em hỏi là trước tết em có đăng ký đi du lịch Đài Loan và đóng tiền cọc 50% cho công ty du lịch. Nhưng đến thời điểm đi thì dịch bệnh covid 19 bùng phát nên em không dám đi vì sợ lây bệnh. Em nói công ty du lịch dời ngày cho em mà họ không chịu và nói nếu em không đi thì bị mất tiền cọc. Vậy giờ em có lấy lại được tiền cọc không ạ? Mong Luật sư phản hồi giúp em.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khi giao kết, thực hiện hợp đồng đặt cọc, các bên đều mong muốn thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ để hưởng được lợi ích phát sinh từ giao kết hợp đồng đặt cọc.Tuy nhiên, sự kiện bạn trình bày thuôc sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Do đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Thứ nhất, đó là những sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm giao hết, hợp đồng. Ví dụ: sự kiện bão, lũ, động đất, sóng thần, dịch bệnh…;

- Thứ hai, hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện giao kết, hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;

- Thứ ba, hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

Với các điều kiện trên bạn có thể chứng minh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Hệ quả pháp lý trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định miễn trách nhiệm của bên vi phạm đối với hầu hết các biện pháp khắc phục, bao gồm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại các Điều 296, Điều 300, Điều 308, Điều 312, Điều 315 Luật Thương mại năm 2005.

Do đó, việc bạn yêu cầu công ty du lịch dời ngày đi du lịch là một biện pháp tình thế nhằm bảo đảm thực hiện hợp đồng dịch vụ du lịch nhưng trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 không đảm bảo đây là biện pháp khắc phục để có thể thực hiện được giao kết, hợp đồng dịch vụ du lịch của bạn do Co-vid 19 là sự kiện bất khả kháng. Công ty du lịch cũng đã từ chối yêu cầu dời ngày đi du lịch của bạn.

Do đó theo khoản 2, Điều 314 Luật Thương mại năm 2005, bạn có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo giao kết, hợp đồng đặt cọc.

Với giá trị tiền đặt cọc nêu trên, căn cứ pháp lý hiện tại và thực tế tố tụng hiện nay thì phương án đàm phán với công ty du lịch để lấy lại tiền đặt cọc là cách làm có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, khi đã yêu cầu như trên nhưng công ty du lịch không đồng ý, bạn cũng không nhận được tiền đặt cọc đã đóng thì trường hợp này bạn có thể khởi kiện ra tòa để được đảm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đinh Thị Hoàng Nhung

Được tư vấn bởi: Luật sư Đinh Thị Hoàng Nhung

Công ty Luật TNHH Hnlaw & Partners

http://www.hnlaw.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi